Ngày 12/7/2024, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với tổ chức Hanns Seidel Foundation (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức Hội thảo "Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Chính sách và thực thi" tại Quảng Ninh.
Hội thảo nhằm đánh giá hiệu quả của báo chí và tham vấn, đề xuất các giải pháp trong công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Mai Thanh Dung – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách, Tài nguyên và Môi trường cho biết: Kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh tại các đô thị khoảng 26.100 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 22.400 tấn/ngày. Ở khu vực thành thị, vẫn còn khoảng 5-10% chất thải rắn sinh hoạt không được thu gom và ở các vùng nông thôn, tỷ lệ này khoảng 30-45%.
“Quản lý chất thải rắn hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại”, ông Dung cho biết.
Trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” cho đến năm 2050, việc nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan về các giải pháp, mô hình để cải thiện chính sách và gia tăng hiệu quả thực thi quản lý chất thải rắn ở Việt Nam là vô cùng cần thiết.
Chia sẻ về việc hỗ trợ quá trình hoàn thiện chính sách trong các lĩnh vực liên quan đến bảo trợ xã hội, phát triển bền vững và chính sách môi trường ở Việt Nam, ông Lê Anh Vũ - đại diện Hanns Seidel Foundation Việt Nam cho biết, thay vì tiêu hủy, xử lý chất thải thì có thể áp dụng những phương pháp mang tính tuần hoàn. Các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải được coi là những biện pháp hữu hiệu để giảm khối lượng rác thải phải chôn lấp, từ đó tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, giảm các nguy cơ về môi trường.
Hội thảo đã nghe đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường báo cáo kết quả nghiên cứu chính về xây dựng tài khoản chất thải rắn tại tỉnh Quảng Ninh; Công ty Hitachi Zosen Việt Nam thuộc Tập đoàn Hitachi Zosen giới thiệu về công nghệ xử lý chất thải hướng tới nền kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng trình bày về vai trò quan trọng của cộng đồng trong thúc đẩy quản lý chất thải rắn bền vững hướng tới nền kinh tế tuần hoàn; Ban quản lý Vịnh Hạ Long trình bày về công tác quản lý chất thải trên vịnh.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận theo nhóm nhằm đánh giá về thực trạng, khó khăn và giải pháp để quản lý hiệu quả chất thải rắn.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã đi thực tế, tham quan mô hình phân loại chất thải rắn, thu gom rác nổi tại Vịnh Hạ Long; mô hình giảm nhựa sử dụng một lần tại Khách sạn Sài Gòn Hạ Long; Mô hình Ngân hàng rác - Đổi rác lấy tiền và giải pháp đồng xử lý chất thải rắn trong lò nung clinker xi măng của Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh; mô hình nâng cao hiệu quả hấp thụ của các bể hấp thụ khí nhà kính thông qua tăng cường công tác trồng rừng, phủ xanh các bãi thải, các vùng đất trống trên toàn bộ diện tích mỏ của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam.