Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. 

Phạm vi điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô với 30 đơn vị hành chính cấp huyện (12 quận, 17 huyện, 1 thị xã). Quy mô lập quy hoạch khoảng 3.359 km2.

Quy hoạch cũng đưa ra dự báo đến năm 2030, TP Hà Nội có khoảng 11,9 triệu người, trong đó 10,5 triệu người thường trú. Dự kiến đến năm 2045, số người tăng lên khoảng 14,6 triệu người.

Quy hoạch đặt ra mục tiêu TP Hà Nội có nhiệm vụ dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị. (Ảnh: Hoàng Hà)

Quy hoạch với mục tiêu đưa Hà Nội thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà.

Trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc thành phố. Nhiệm vụ cụ thể là xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).

Quy hoạch cũng đặt ra yêu cầu quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm. Trong quy hoạch phải nêu ra được các định hướng chung về quản lý chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực.

Yêu cầu trọng tâm khác của quy hoạch là nêu ra giải pháp quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung theo định hướng quy hoạch ngành quốc gia (đường hàng không, đường bộ, đường thủy, đường sắt) gắn với lộ trình triển khai thực hiện theo từng giai đoạn.

TP. Hà Nội cũng phải đề xuất được các giải pháp chiến lược để khắc phục các tồn tại, bất cập về quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tắc nghẽn giao thông, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội chất lượng cao, xử lý các vấn đề môi trường.