Hợp tác xã chưa đủ nguồn lực để kiểm soát chất lượng
Theo ông Phạm Văn Duy, nếu như các doanh nghiệp có kiến thức chuyên môn, mức hiểu biết cao, năng lực tài chính lớn sẽ thuận lợi trong việc tận dụng tối đa lợi ích từ việc sử dụng công nghệ trong quản lý chuỗi giá trị hàng hóa, thì các HTX dù rất muốn ứng dụng công nghệ vào quản lý chuỗi, truy xuất nguồn gốc lại thiếu các tiềm lực về chuyên môn, tài chính.
“Sẽ chẳng thể quản lý đầu vào nguyên liệu nếu chỉ làm thủ công, sẽ chẳng thể kiểm soát hoàn toàn chất lượng sản phẩm đầu ra nếu phó mặc cho việc cứ dán tem (QR code) truy xuất nguồn gốc là xong. Bởi tem có thể bị làm giả, nhãn hiệu hàng hóa nếu nổi tiếng cũng có thể bị làm nhái (ví dụ các thương hiệu gạo như ST25 hay Nàng Hương). Do đó, yếu điểm này không chỉ các HTX sản xuất có thể tự khắc phục mà là yếu điểm chung của công tác quản lý chất lượng nông sản của Việt Nam”, ông Duy nói.

Cùng quan điểm, TS Mai Quang Vinh, chuyên gia nông sinh học cho rằng, làm sao quản lý được chất lượng nông sản nói chung trong bối cảnh nhiều đơn vị sản xuất tự nhận mình là nông nghiệp hữu cơ, thậm chí (tự phong) khi các tổ chức xác nhận là bên thứ ba cũng chưa được cấp phép thẩm định. Trong khi đó, các quy trình thanh tra, kiểm tra về quy trình sản xuất của người dân, HTX (từ vật tư đầu vào đến đầu ra) cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu các thiết bị và những tiêu chuẩn, quy chuẩn.
TS Mai Quang Vinh ví dụ, nhiều HTX nông nghiệp đang tự nhận mình trồng lúa hữu cơ, hoặc trồng chè hữu cơ. Tuy nhiên, thay vì bón phân hữu cơ thì họ vẫn dùng phân hóa học, phân chuồng để thúc sản lượng lúa hay chè. Như vậy chất lượng sản phẩm hữu cơ của họ có được đảm bảo và việc kiểm định của các cơ quan chức năng sẽ đo lường/ định lượng các chất cấm ra sao nếu thiếu thiết bị đo kiểm hoặc có kiểm tra thì cũng giám sát… bằng mắt thì liệu có đáng tin cậy? Đặc biệt, nếu bản thân các HTX có tuân thủ quy trình hữu cơ thì bản thân họ cũng không đủ chuyên môn để tự thẩm định.
Lấy cụ thể với cây lúa, nhiều HTX cho biết đang canh tác hữu cơ nhưng vẫn cho năng suất tới 6-7 tấn thóc/ha. Vậy có đáng tin không khi các nhà khoa học đã tổng kết, nông dân phải sử dụng đến 30 tấn phân chuồng trên 1ha mới cho năng suất lúa 6-7 tấn. Hoặc với phân bón hóa học, các doanh nghiệp sản xuất quảng cáo, chỉ cần bón 1,6 -1,7 tấn phân là cho năng suất cao cũng là điều không tưởng. Do đó, kiểm soát chất lượng nông sản ngay từ khâu đầu vào (khối lượng phân, thuốc, nước, đất…) ra sao rất cần quản lý chặt chẽ bằng công cụ khoa học, định lượng rõ ràng chứ không thể định tính và tin theo những lời công bố.
Không nên lạm dụng khái niệm hữu cơ
Khát khao về thị trường nông sản sạch, nông sản hữu cơ là có thực trong bối cảnh đời sống của người dân ngày một nâng cao. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về sản phẩm hữu cơ không phải HTX nào cũng có thể đáp ứng. Bởi, sản xuất hữu cơ khiến năng suất các vùng sản xuất đôi khi không như kỳ vọng; giá bán sản phẩm đôi khi còn bị lép vế trước sản phẩm cùng loại, do đó đầu ra cho nông sản hữu cơ dù thị trường rất cần nhưng lại bấp bênh nếu không được chứng nhận sản phẩm hoặc bị cạnh tranh gay gắt khiến các HTX luôn rơi vào tình trạng thu không đủ bù chi.
Theo TS Mai Quang Vinh, đòi hỏi của thị trường về các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu. Chính điều này buộc việc áp dụng công nghệ là điều không thể bỏ qua đối với người sản xuất (các HTX, doanh nghiệp và nông dân) cũng như quản lý. Tuy nhiên, để làm được điều này, các HTX rất cần có những nguồn lực hỗ trợ, trong đó đào tạo về công nghệ trong sản xuất, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm có vai trò quyết định. Đặc biệt, các doanh nghiệp, HTX dù rất cần mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm nhưng cũng không nên lạm dụng khái niệm hữu cơ.
Đứng ở góc độ quản lý, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đồng tình với các phân tích trên và cho rằng, các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học phải coi HTX là nơi phát triển, không thể mang HTX ra là nơi thử nghiệm các nghiên cứu khoa học, nhất là những nghiên cứu khoa học chưa được chứng nhận. Bên cạnh đó, Nhà nước song song với việc bổ sung các quy định về truy xuất nguồn gốc hàng hóa thì cũng cần có hướng dẫn chi tiết về phương thức dán tem nhãn, bởi nếu không sẽ gây khó cho các HTX sản xuất, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
“Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống truy xuất quốc gia, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ về nhiều mặt cho nông dân, HTX như: hướng dẫn, hỗ trợ HTX tham gia các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ miễn phí hoặc có lệ phí thấp. Ví dụ, tại Trung Quốc, mã QR được quảng bá và sử dụng rộng rãi ở các đơn vị bán lẻ lớn cũng như các chợ đường phố do chi phí triển khai thấp và dễ áp dụng. Điều này cần được Việt Nam học tập để tạo tính lan tỏa cao trong truy xuất nguồn gốc”, TS Mai Quang Vinh hiến kế.