Ban Quản lý ATTP là mô hình thí điểm nên còn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm
Trong thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tạo được những chuyển biến rõ rệt, tích cực trên toàn diện các lĩnh vực. Thể chế quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở, của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm được nâng cao. Trong đó, đặc biệt đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ chủ trương thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm – đơn vị chuyên môn cấp Sở thuộc UBND tỉnh/thành phố.
Từ khi triển khai thực hiện thí điểm mô hình quản lý về an toàn thực phẩm đến nay, hoạt động của các Ban Quản lý đã đạt được nhiều hiệu quả như: giải quyết hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các sở ngành và đầu mối chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân về công tác quản lý an toàn thực phẩm; tạo sự tín nhiệm và thuận lợi cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm; tăng tỷ lệ hài lòng của người dân đối với cung cấp dịch vụ hành chính công về an toàn thực phẩm; là đầu mối thống nhất tiếp nhận và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh liên quan đến an toàn thực phẩm, phát huy vai trò trong định hướng dư luận; đầu mối thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, tiến hành thanh tra, kiểm tra cơ sở với tần suất theo quy định, tránh chồng chéo và tình trạng mỗi năm một cơ sở, doanh nghiệp phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phát huy vai trò trong công tác tập huấn nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý các cấp và doanh nghiệp với nhiều đợt tập trung hoặc theo yêu cầu của đơn vị trên cả 03 lĩnh vực Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của mô hình Ban Quản lý ATTP ở địa phương, lãnh đạo UBND TPHCM, TP. Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh cho biết cơ quan này được thí điểm thành lập trên cơ sở sát nhập các cơ quan quản lý ATTP tuyến tỉnh thuộc Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương.
Về cơ bản, việc thành lập thống nhất một đầu mối đã tổng hợp được nguồn lực quản lý, thuận tiện trong quá trình chỉ đạo triển khai, giảm thời gian trong kết hợp thanh tra, kiểm tra, bước đầu có hiệu quả trong hoạt động xử lý vi phạm, tăng cường giáo dục, truyền thông, thuận lợi trong chỉ đạo điều hành.
Bên cạnh đó, do Ban Quản lý ATTP là mô hình thí điểm nên các hoạt động về đầu tư, chỉ đạo điều hành, phối hợp quản lý với các sở, ban, ngành còn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Đặc biệt, sau khi có Luật Thanh tra sửa đổi chức năng xử phạt vi phạm hành chính không giao cho các Ban Quản lý ATTP nên còn khó khăn trong xử lý vi phạm.
Ngày 24/6/2023, Quốc hội đã có Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong đó có nội dung cho phép thành lập Sở ATTP.
Cơ cấu tổ chức hiện nay của Ban Quản lý ATTP không làm phát sinh biên chế mới mà sử dụng nhân sự từ các Sở Y tế, NN&PTNT, Công Thương.
Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chính quyền cấp xã, phường trong quản lý ATTP, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chính quyền cấp xã, phường trong quản lý ATTP.
"Mọi vi phạm đều có địa chỉ cụ thể, vì vậy, chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến địa bàn cơ sở", Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nói.
Ưu tiên hành động để bảo đảm sức khoẻ cho người dân
Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) và đánh giá hoạt động của mô hình Ban Quản lý ATTP tại TPHCM, tỉnh Bắc Ninh, Đà Nẵng, chiều 8/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, tiếp tục cập nhật diễn biến, tình hình về ATTP từ đầu năm đến nay, có so sánh với cùng kỳ về số người bị ngộ độc, thực trạng quản lý các mặt hàng có nguy cơ cao về ATTP, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Từ đó chỉ ra những vấn đề mới xuất hiện, cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên hành động để bảo đảm sức khoẻ cho người dân.
Đối với việc kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan quản lý ATTP, Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá kỹ để triển khai theo tinh thần thống nhất một đầu mối từ Trung ương đến địa phương của Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới.
"Các địa phương phải dựa trên hiệu lực, hiệu quả của các mô hình quản lý ATTP để đánh giá những điểm làm được, chưa được. Những cấp nào cần quan tâm, đầu tư, những yêu cầu về chất lượng tổ chức, bộ máy, công cụ thanh tra, kiểm tra", Phó Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh mục tiêu là đo, đếm được hiệu quả quản lý ATTP thông qua chuyển biến ở cơ sở.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao năng lực hệ thống phòng kiểm nghiệm ATTP; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, giám sát; quản lý chặt chẽ việc quảng cáo và xử lý nghiêm các vi phạm quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe…
Theo lĩnh vực được giao, các bộ, ngành phải rà soát toàn bộ hệ thống quản lý ATTP từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, hài hài hóa với tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước phát triển; nghiên cứu hoàn thiện thể chế quản lý ATTP, nâng cao chế tài xử phạt, phân định rõ những việc, những khâu huy động xã hội hoá hay Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến kiến thức ATTP, quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn; chú trọng đối tượng hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và đoàn thể các cấp trong vận động giám sát ATTP.
Phó Thủ tướng cũng gợi mở xem xét phương án thực hiện tiền kiểm đối với một số loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nguy cơ cao về ATTP; siết chặt kiểm soát việc nhập khẩu, nhập lậu các mặt hàng thực phẩm, đồ uống; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan truyền thông, báo chí khi quảng cáo thực phẩm, nhất là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.