Quần áo và giày là những thứ bị vứt bỏ nhiều nhất trên thế giới. Nhiều loại quần áo, giày dép giả nhãn mác đến từ Trung Quốc và lừa đảo khách hàng hằng ngày, khắp nơi. Nhưng nay quân đội Mỹ trở thành khách hàng “không ngờ tới” của những đồ giả hiệu này.
Một cơ sở cung cấp quân phục và các loại đồ tương tự bị cáo buộc bán hơn 20 triệu USD đồ “giả” từ Trung Quốc cho quân đội Mỹ và các cơ quan khác của chính phủ Mỹ, nhưng dưới cái mác đồ thật, sản xuất tại Mỹ.
Theo quy định của luật Mỹ, quân đội chỉ được phép mua quân phục và các loại quần áo khác sản xuất trong nước. Chủ cơ sở bán sỉ quân phục nói trên đã bị đưa ra xét xử tại một tòa án ở tiểu bang Rhode Island hôm 21/5 với cáo buộc âm mưu gian lận và buôn lậu đồ giả, theo bản tin của Quartz.
Các tài liệu của tòa án cho thấy chủ doanh nghiệp và các nhân viên của ông ta đã gửi các mẫu hàng, là quân phục thật của Mỹ và một số đồ dùng do Mỹ sản xuất, cho các công ty ở Trung Quốc để làm nhái. Trước khi sản xuất cả loạt, công ty nhận thầu nhận được ảnh chụp và hàng mẫu, bao gồm các logo, mẫu móc treo, để đảm bảo chúng trông giống như đồ thật. Họ còn làm nhái cả nhãn hiệu, dấu hiệu nhận biết. Sau đó, nhà cung cấp quân phục người Mỹ bán hàng cho những người thuộc quân đội và chính phủ chuyên hậu cần. Thậm chí ông ta còn trưng ra thư đảm bảo theo quy định để được phép cung cấp quân phục cho quân đội, nhưng thư này cũng là đồ nhái.
Trong số hàng hóa bị làm nhái có những thứ trong thực tế liên quan mật thiết đến tính mạng của binh sỹ Mỹ. Ví dụ như bộ quần áo của quân nhân trong Không quân Mỹ. Bộ quần áo thật được làm bằng một loại vải gọi là Multicam, giúp người mặc tránh được các tác động của công nghệ hồng ngoại, ví dụ các thiết bị nhìn đêm. “Đồ nhái không có tác dụng tương tự, tức là người mặc hoàn toàn có thể bị các thiết bị nhìn đêm dễ dàng phát hiện”, văn bản của tòa án nói.
Rắc rối hơn là hàng ngàn bộ áo trùm đầu lẽ ra phải có vật chất chịu nhiệt có tên FREE. Tất nhiên là đồ nhái không có khả năng này.
Một loại hàng hóa khác bị làm nhái là các loại áo cách điện mang nhãn hiệu Polartec và Primaloft.
Theo Tiền Phong