Trao đổi với VietNamNet, Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết, mặc dù TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch nhưng còn diễn biến phức tạp, vẫn cần duy trì các hoạt động hỗ trợ tích cực và hiệu quả. Do đó, quân đội vẫn duy trì các tổ công tác để TP ổn định tình hình.
“Tôi cho rằng, nới lỏng không có nghĩa là thả lỏng. Hơn nữa, việc này cần duy trì trong một thời gian nhất định để TP thật sự trở lại bình thường mới”, ông Phong nói.
Theo ông Phong, hiện nay ca F0 hàng ngày ở TP vẫn là con số hàng nghìn. Có thể so sánh với các địa phương chỉ có vài ca, vài chục ca như Hà Nội và một số tỉnh, thành khác thì thấy số lượng còn rất cao. Việc nới lỏng là cần thiết cho nền kinh tế, nhưng ngược lại không giữ tốt dịch sẽ quay trở lại bất kỳ lúc nào.
Lực lượng quân đội hỗ trợ kiểm soát tại các chốt. Ảnh: Thanh Tùng |
Do đó, ông Phong nhấn mạnh, quân đội vẫn phải duy trì, kết hợp chặt chẽ. “TP có yêu cầu, quân đội sẽ tiếp tục đồng hành. Đến giờ phút này chưa có kế hoạch gì thay đổi”, ông Phong nói.
Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong nhìn nhận, nếu có rút lực lượng thì cũng sau 1/10, khi hoàn thành nhiệm vụ xét nghiệm, bóc tách F0, “vùng xanh” được thiết lập; việc đi lại dễ dàng hơn, các tổ chốt có thể nới lỏng, nhưng phải được kiểm soát cần thiết, nên lực lượng chưa thể rút.
Phương án có thể điều chỉnh, rút một số bộ phận ở “vùng xanh” về để củng cố lực lượng, tham gia các hoạt động sẵn sàng tăng cường cho các khu vực “vùng đỏ”, những chỗ đang quá tải,… để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được tốt hơn.
Đồng thời, tăng cường khám bệnh, tầm soát F0, duy trì hoạt động của các tổ quân y cho đến khi hoàn toàn kiểm soát tình hình.
Ngoài ra, lực lượng tiếp tục hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; khi nới lỏng giãn cách, mật độ có giảm, nhưng chưa thể dừng lại việc này; tổ cung cấp hàng thiết yếu cũng vẫn hoạt động khi cần thiết.
Ông Phong cũng nhấn mạnh việc, khi TP nới lỏng rất có thể nhiều người dân có nhu cầu đi lại, về quê, trong khi TP chưa tầm soát được hết F0.
Ngoài ra, khi người dân tập trung đông tại các chốt dễ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Điều này có thể khiến kẻ xấu lợi dụng, kích động lôi kéo gây mất trật tự an toàn xã hội. Thêm vào đó, việc tập trung đông dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Do đó, tại các chốt chặn việc duy trì các lực lượng để kiểm soát chặt chẽ tình hình, đảm bảo an ninh trật tự xã hội là hết sức cần thiết.
Lường trước bài toán an ninh trật tự
Trước việc lo ngại về tình hình an ninh, trật tự xã hội khi TP.HCM mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách, ông Phong chia sẻ, đây không chỉ ra trách nhiệm của riêng TP mà của cả các ngành chức năng, đặc biệt là công an, quân đội. Các lực lượng này từ trước đến nay giúp cho TP rất nhiều trong lĩnh vực này.
TP mở cửa trở phải tính đến việc đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh minh họa: Thanh Tùng |
“Đây là một bài toán mà các cấp đều nghĩ đến và nếu duy trì trật tự không tốt thì chuyện xảy ra về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội là nguy cơ cao”, ông Phong nói.
Theo ông Phong, giãn cách lâu ngày cũng có những khó khăn trong đời sống, tác động vào người dân nói chung, đặt biệt là một số thành phần bất hảo. Khi ngành chức năng duy trì chốt chặn, kỷ luật, trật tự nghiêm ngặt trong giãn cách thì các ổ nhóm cũng thu mình lại.
Nay cơ hội mở cửa, đồng thời với việc suốt thời gian qua không có việc làm ăn, những thành phần này sẽ tìm cách gây án, nhất là trộm cắp, cướp giật và các tệ nạn khác như ma túy, mại dâm,...
Ông Phong thông tin, trong các cuộc họp đều có bàn luận để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất những việc có thể xảy ra. Do đó, chính quyền và các lực lượng chức năng có tính đến để chủ động ngăn chặn, đấu tranh đối với các đối tượng này.
“Phải khẳng định, các tệ nạn xã hội xảy ra sẽ là một tất yếu trong điều kiện hiện tại, nhưng ở mức độ nào phụ thuộc nhiều vào việc chúng ta duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng địa bàn, sự vào cuộc quyết liệt hay không của các cấp chính quyền cũng như cơ quan chức năng", ông Phong nhìn nhận.
Lo hậu sự người mất được cải thiện nhiều
Liên quan đến việc quân đội được giao nhiệm vụ lo hậu sự cho những người mất vì Covid-19, Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong chia sẻ, việc này hiện đã được cải thiện nhiều.
“Trước đây luôn băn khoăn, nay đã được giải quyết một cách chủ động và dứt điểm, không còn hiện tượng lưu thi hài do quá tải. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, chứa đựng tư tưởng tình cảm và mang ý nghĩa tâm linh, đạo lý của người Việt Nam, nên được quan tâm giải quyết rất tốt", ông Phong bày tỏ.
Thiếu tướng Phong cũng cho biết, lực lượng này có thời điểm huy động đến gần 400 cán bộ, chiến sĩ, nay đã được rút gọn dần, tập trung cho các nhiệm vụ khác.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của Bộ Quốc phòng về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam vào sáng 29/9, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, trong thời gian tới, các đơn vị tiếp tục điều chỉnh lực lượng làm nhiệm vụ cho phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.
“Tinh thần là các đơn vị quân đội tăng cường cho TP.HCM sẽ ở lại đến hết tháng 11, nhất là các bệnh viện dã chiến chỉ tính đến phương án giảm giường bệnh, giảm y, bác sĩ khi số ca bệnh nặng, nguy kịch giảm rõ rệt”, Thượng tướng Võ Minh Lương nói.
Hiện nay, các đơn vị quân đội, dân quân tự vệ, quân y đã chi viện tăng cường cho TP.HCM 135.000 cán bộ, chiến sĩ; triển khai 12 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô 6.450 giường; duy trì 660 tổ quân y và 1.125 tổ lấy mẫu.
Thu Anh
Khi nào TP.HCM dập dịch xong, lực lượng quân đội mới rút về
Các lực lượng quân đội tiếp tục hỗ trợ TP.HCM chống dịch như những ngày đầu tăng cường. Khi nào TP.HCM dập xong dịch thì quân đội mới rút quân.