Theo BBC, cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Anh đã nhắc lại lời kêu gọi công dân nước này rời khỏi Lebanon đồng thời xác nhận các hoạt động chuẩn bị đang được triển khai để hỗ trợ sơ tán người dân khỏi quốc gia này nếu cần thiết. Ngoại trưởng Anh David Lammy thông báo trước Hạ viện rằng, có khoảng 16.000 người Anh đang ở Lebanon.
Hàng trăm binh lính, lính biệt kích Thủy quân Lục chiến Hoàng gia, thủy thủ và phi công đã được điều động để củng cố căn cứ quan trọng của Không quân Hoàng gia (RAF) tại Síp, nơi sẽ đóng vai trò là trung tâm trong bất kỳ nhiệm vụ sơ tán nào. Hàng trăm quân nhân nam và nữ khác ở Anh đang trong tình trạng báo động để có thể triển khai đến khu vực này trong thời gian ngắn.
Một tàu khu trục của hải quân hoàng gia Anh, chiếc HMS Duncan và một tàu đổ bộ RFA Cardigan Bay cũng đã có mặt ở phía đông Địa Trung Hải.
Anh cho rằng Iran và Hezbollah sẽ sớm tấn công trả đũa vào Israel và điều này có thể thúc đẩy chính phủ Israel ra lệnh tấn công rộng hơn vào nước láng giềng Lebanon.
Căng thẳng đã gia tăng trên khắp Trung Đông kể từ khi Hamas tấn công miền nam Israel vào ngày 7/10/2023, làm 1.200 người Israel thiệt mạng. Sau đó, Israel đã mở chiến dịch quân sự lớn ở Dải Gaza để trả đũa. Theo Bộ Y tế do Hamas điều hành tại Gaza, ít nhất 39.480 người Palestine đã thiệt mạng kể từ đó.
Sự thù địch giữa Israel và các nước láng giềng đã leo thang sau cái chết của thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran và chỉ huy cấp cao Fuad Shukr của nhóm Hezbollah tại Beirut. Iran cho rằng chính Israel đã đứng sau vụ ám sát ông Haniyeh và thề trả đũa.
Các quan chức phương Tây lo ngại Hezbollah - phong trào chính trị được Iran hậu thuẫn có trụ sở tại Lebanon, có thể đóng vai trò chủ chốt trong bất kỳ hành động trả đũa nào như vậy, từ đó có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng từ Israel.
Mỹ, Anh, Australia, Pháp, Canada, Hàn Quốc, Ảrập Xêút, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan nằm trong số các quốc gia đã kêu gọi công dân của họ rời khỏi Lebanon càng sớm càng tốt.