|
Trong lúc thế giới đang có xu hướng đẩy mạnh tự do hóa dịch vụ CNTT, Việt Nam lại có ý định “trói” bằng các quy định quản lý hành chính. Ảnh minh họa. ( Nguồn: Internet) |
>> “Nóng” ở câu chuyện đăng ký dịch vụ CNTT
Chiều nay, 18/4/2012, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) và Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đồng tổ chức Tọa đàm góp ý cho Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT đang được Bộ TT&TT lấy ý kiến của các hội, hiệp hội CNTT trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định về dịch vụ CNTT là một văn bản quan trọng trong hệ thống hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ CNTT ở Việt
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Long, Phó Tổng Thư ký VAIP, "thay vì tập trung cho hỗ trợ, khuyến khích phát triển dịch vụ CNTT thì Nghị định này có vẻ như lại trói sự phát triển bằng quá nhiều hình thức quản lý hành chính".
Hầu hết ý kiến của các thành viên trong VAIP và VINASA đều không tán hành nhiều hạng mục quản lý (cấp phép) chi tiết trong dự thảo Nghị định, trói bằng các loại đăng ký (giấy phép "con") cùng với nhiều loại chứng chỉ, chứng nhận, chuẩn....
Ông Nguyễn Trung Quỳnh, đại diện Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) lưu ý rằng: "Một số điều kiện để đưa Nghị định vào thực tiễn vẫn chưa sẵn sàng, ví dụ như hệ thống chuẩn quốc gia về kỹ năng; hệ thống chứng chỉ quốc gia; hệ thống chức danh nghề nghiệp... phải mất hàng năm mới hoàn thiện, như vậy sẽ làm mất cơ hội của doanh nghiệp".
Chồng chéo trong quản lý nhà nước về các lĩnh vực có liên quan cũng là tâm điểm của những ý kiến từ VAIP và VINASA. Mục tiêu của Nghị định là dịch vụ CNTT nhưng dự thảo "ôm" cả dịch vụ trên nền CNTT bao gồm cả truyền thông, Internet, thương mại điện tử, khoa học công nghệ...
Đại điện Chi hội Thương mại điện tử của VAIP khuyến nghị: "Nếu Nghị định quy định về việc quản lý dịch vụ CNTT thì phạm vi điều chỉnh chỉ giới hạn trong các dịch vụ CNTT, không nên quy định một cách áp đặt dịch vụ trên nền CNTT cũng là dịch vụ CNTT. Một số loại dịch vụ được điều chỉnh bằng các quy định quản lý chuyên ngành như dịch vụ thương mại điện tử, dịch vụ đào tạo trực tuyến, dịch vụ khám chữa bệnh từ xa trên môi trường mạng thì không cần thiết phải đưa vào Nghị định về dịch vụ CNTT".
Đồng quan điểm, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM đề xuất: “Nghị định nên tập trung vào các vấn đề cần quản lý và chính sách khuyến khích đối với những lĩnh vực dịch vụ cần quan tâm. Các dịch vụ khác không nên đưa vào bởi sẽ rất dài và không bao giờ đủ".
Ông Trần Lương Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Phần mềm Việt nhận xét: "Khi Nhà nước đưa ra một quy định pháp luật thì phải theo tư duy tạo chính sách khuyến khích phát triển, chứ không phải tạo thêm cơ chế quản lý, kiểm soát. Việc đưa dịch vụ CNTT vào quản lý là bước lùi trong xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam bởi trên thế giới vẫn đang khuyến khích tự do hóa dịch vụ CNTT".