Việc đội ngũ quan lại đa phần từ chối tham gia trực tiếp và cất vang lời thề tại lễ Minh Thệ hàng năm cho thấy tính hình thức của nó và xét về bản chất đây thực ra là một nghi lễ xa rời thực tế.

Đến hẹn lại lên, cứ sau Tết là dân ta lại tưng bừng khai hội. Bên cạnh nhiều bất cập mà báo chí đã từng nêu như lãng phí, giảm năng suất lao động và tình trạng bạo lực tại nhiều nơi..vv.. còn có một thực tế  đáng lo ngại đó là tâm trí của chúng ta đang bị mắc kẹt và tù đầy bởi chính nền văn hóa của mình vốn được phản ánh thông qua các lễ hội  .

Dù quy mô và “sự tín nhiệm” từ dân chúng đối với các lễ hội như “Khai ấn Đền Trần” ở Nam Định hay “Minh Thệ” ở Hải Phòng là rất khác nhau, nhưng có thể nhận định rằng các lễ hội trên khắp đất nước đã và đang phản chiếu nhiều nghịch lý trong xã hội.

Do dân số ngày càng đông thêm cộng với giao thương thuận tiện, nhiều lễ hội ngày nay đang một phình ra về quy mô và phức tạp trong quản lý. Hiện tượng tranh giành và thậm chí là cướp “lộc” đang ngày một nhiều hơn và phản cảm hơn. Chính nền tảng đạo đức yếu kém và nhân sinh quan lệch lạc của nhiều người trong xã hội đang là nguyên nhân chủ chốt của các bất cập nêu trên. Khi “lòng tham” được hiểu là “lòng thành” và “lòng thành” - được biểu hiện qua việc tranh nhau cướp đoạt các vật dụng tế lễ - thì rõ ràng đang có một điều gì đấy bất an trong tâm lý xã hội.

{keywords}
Lệ hội Minh Thệ. Ảnh: An ninh thủ đô

Nếu chúng ta tin vào sự nghiêm minh và bình đẳng của pháp luật, tin vào sự công bằng đang tồn tại xung quanh. Nếu chúng ta thực sự tin rằng vị thế, tài sản mà mình hiện có là chính đáng, là xứng đáng với tài năng và công sức đã bỏ ra, thì tại sao nhiều quan chức phải nhờ cậy đến các thế lực siêu nhiên để bảo vệ và hỗ trợ cho sự nghiệp của mình đến thế? (Lễ Khai ấn Đền Trần chẳng hạn).

Ai cũng biết số vị trí trong một bộ máy công quyền là có hạn và tài sản trong xã hội Việt làm ra một năm chưa đến 200 tỷ USD. Nếu thần thánh phù hộ cho những ai chịu khó cầu xin tại các lễ hội để họ được thăng tiến nhanh hơn, giàu có hơn thì số phận những ai không có lễ lạt và không chịu khó cầu xin sẽ như thế nào?

Có phải là nhiều người không đi lễ sẽ tụt lại và thu nhập của nhóm này sẽ bị thụt giảm để chuyển sang nhóm người được thần thánh ưu ái kia không?

Như vậy sự bất công là rất rõ rệt và chúng ta hãy tự hỏi liệu thần thánh phản ứng thế nào? Nếu như họ ưu ái những người chăm lễ bái thì có lẽ niềm tin của dân chúng vào thế giới tâm linh cũng cần phải được xem xét lại.

Từ bao đời nay người dân luôn mong ước về một xã hội công bằng  và tốt đẹp hơn, nơi họ ít bị sách nhiễu và bóc lột bởi những quan lại tham lam và ích kỷ. Có lẽ các cơ chế giám sát và kiểm soát quan lại từ xưa tới giờ chưa bao giờ thành công; hoặc hiệu quả trong việc kiểm soát tham nhũng (đặc biệt là vấn nạn biển thủ công quỹ).

Mặc dù hình thức tuyên thệ trước thần linh (trong lễ hội Minh Thệ) được xem là sáng tạo, nhưng về cơ bản nó không được nhà cầm quyền đưa vào hệ thống quản lý nhân sự như một nghi thức bắt buộc đối với các quan lại khi nhậm chức. Vì vậy kể từ lúc ra đời đến nay, nghi thức này phần nhiều chỉ dừng lại ở dạng tín ngưỡng dân gian.

Việc đội ngũ quan lại đa phần từ chối tham gia trực tiếp và cất vang lời thề tại lễ Minh Thệ hàng năm cho thấy tính hình thức của nó và xét về bản chất đây thực ra là một nghi lễ xa rời thực tế.

Khi cả người tuyên thệ lẫn bên tiếp nhận lời thề đều hiểu rằng đây chỉ là “đóng kịch”, thì rõ ràng ai cũng có thể nhận ra đây là một hành động không thực sự cần thiết chứ chưa dám nói là giáo điều. Rất tiếc chúng ta đang mắc phải nhiều vấn đề tương tự trên khắp đất nước, trong một thời gian dài khi cùng nhau làm những việc mà ai cũng biết là vô bổ.

Để hiểu rõ một dân tộc, không cách nào tốt hơn là nhìn vào tín ngưỡng và cách thực hành tín ngưỡng của dân tộc đó. Dù nhìn nhận dưới bất kỳ góc độ nào, rất khó phủ nhận một sự thực là chúng ta đang mải mê theo đuổi và thực hành nhiều thứ trái ngược với các nguyên lý căn bản của tạo hóa và logic thông thường.

Tuy bối cảnh không giống nhau, nhưng xin được mượn một đoạn trong Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo để khép lại bài viết này:

Một khi giặc Mông đến nơi, thì cựa con gà nòi không thể đâm thủng áo giáp của giặc; thuật ở bàn bạc không thể đem làm mưu mẹo ở trong quân; vườn ruộng tuy giàu, tấm thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; vợ con tuy sẳn, trong đám ba quân khó dùng; của cải tuy nhiều, không thể mua được đầu giặc; chó săn tuy khỏe, không thể đuổi được quân thù; rượu ngon không đủ để cho giặc phải mê; hát hay không đủ làm cho giặc phải điếc;…. Đáng đau đớn biết chừng nào

Trần Văn Tuấn