Nếu bất kỳ quan chức nào hay đơn vị nào làm được như các “đồng liêu tiền bối” người Nhật đã làm, thiết nghĩ cả dân tộc này sẵn sàng phong anh hùng cho họ ngay, thậm chí hai lần như anh hùng Hồ Giáo cũng hoàn toàn xứng đáng.
Chuyện vẫn xảy ra hàng năm mấy chục năm nay, chả thấy ai nói gì, bỗng tuần rồi lại làm dư luận xôn xao. Đó là chuyện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) được đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng lao động.
Có lẽ sẽ chẳng có ai ý kiến gì về một danh hiệu anh hùng cho EVN nếu như không có chuyện dư luận đang ta thán giá điện cứ mãi tăng trong khi thất thoát điện cứ diễn ra triền miên. Hay như chuyện EVN đề nghị chuyển lỗ tỷ giá vào giá thành - có nghĩa là người tiêu dùng phải gánh những yếu kém về quản lý của EVN - như đổ thêm dầu vào lửa. Tệ hơn, những yếu kém đó chẳng biết bao giờ mới khắc phục được.
Báo chí dẫn lời một quan chức Bộ Công Thương cho rằng nếu so sánh với các ngành khác trong bộ thì EVN “rất xứng đáng”. Vị này bảo, “họ phải thường xuyên đi rừng rú, lội đèo suối, ra đảo xa thì không ai biết, nhưng nếu mất điện thì dân lại phản ứng lập tức”. Thế nhưng có phải toàn bộ EVN (hơn 104 ngàn người, số liệu năm 2012 trên website EVN) thường xuyên làm những chuyện này đâu. Còn nếu vì “lội suối” mà phong anh hùng thì chắc ngành cấp thoát nước cũng xứng đáng không kém vì họ phải “lội suối” (trong thành phố để chống ngập) thường xuyên hơn. Riêng chuyện “thường xuyên đi rừng rú” xứng danh anh hùng, thì chắc phải phong Cục Kiểm lâm thành anh hùng vì với họ băng rừng là chuyện cơm bữa chứ không phải ngành điện.
Ảnh: TBKTSG |
Lội suối, băng rừng thì kể, nhưng không thấy quan chức nói trên nêu chuyện giá điện “gánh” chi phí xây biệt thự và sân quần vợt của tập đoàn này. Không biết liệu những chi phí như vậy có đủ làm triệt tiêu những “thành tích” để biến EVN thành anh hùng hay không?
Của đáng tội, những ngành khác đều có những tập thể được phong anh hùng lao động. Vậy thì tại sao ngành công thương đánh giá EVN là xứng đáng thì lại không được? Để trả lời câu hỏi này cần khẳng định rằng không nhất thiết ngành nào, năm nào cũng có anh hùng lao động tập thể. Nếu thực sự xứng đáng hãy đề cử, chứ không thể vì ngành khác có, “ngành tôi” cũng phải có.
Nói đến anh hùng lao động, không thể không nhớ một cái tên: Hồ Giáo, người mà cho đến nay vẫn là trường hợp duy nhất trong ngành chăn nuôi được phong anh hùng hai lần. Thậm chí trong một bài viết gần đây, nhà văn Nguyễn Quang Thiều còn đề nghị phong tặng ông Hồ Giáo danh hiệu anh hùng lao động lần thứ ba. Có lẽ chẳng mấy người phản đối chuyện phong tặng như vậy vì đó là một anh hùng lao động thật sự đam mê việc mình làm.
Câu chuyện lấn cấn về danh hiệu anh hùng cho EVN nói riêng và có thể cả những đơn vị khác còn liên quan đến một thực tế sau đây.
Khi nhắc đến anh hùng, người ta thường liên tưởng đến cá nhân, như anh hùng Hồ Giáo nói trên. Trừ một ngoại lệ - anh hùng trong chiến tranh, khi cả một đơn vị có thể được xem là một tập thể anh hùng. Vì thế, nên chăng danh hiệu anh hùng lao động chỉ nên dành cho các cá nhân xuất sắc nhất?
Đề nghị này có thể sẽ thuyết phục hơn nếu nhìn lại danh sách các anh hùng lao động đã được phong tặng. Những tên tuổi như Hồ Giáo, Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách, Trần Đại Nghĩa, Trần Đông A, Trần Văn Giàu, Phạm Tuân đứng bên cạnh Trung tâm y tế Củ Chi, Công ty thực phẩm và đầu tư công nghệ, Quận Ba Đình hay Trường trung học phổ thông Chợ Gạo (Tiền Giang) (đều là các “anh hùng lao động” cả) - vẫn thấy khập khiểng thế nào!
Nhân đây, xin nhắc lại một câu chuyện được Giáo sư Trần Văn Thọ kể lại trong một bài viết của ông vì nó cũng liên quan đến “anh hùng” và “Bộ Công Thương” như chuyện của chúng ta bây giờ.
Câu chuyện kể của GS Trần Văn Thọ xảy ra vào giữa thập niên 1950 ở nước Nhật. Khi ấy, Nhật Bản còn chưa sản xuất được xe hơi mà phải nhập từ Mỹ, giá lại rất đắt - một quan chức trung cấp lúc bấy giờ phải dành toàn bộ tiền lương trong năm năm mới mua nổi một chiếc xe. Một số người Nhật muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô để nước mình trở thành giàu mạnh. Nhưng nhiều người khác lại phản đối - kể cả một số lãnh đạo đảng cầm quyền - vì e rằng kế hoạch này thất bại lại có thể phương hại đến quan hệ với Mỹ.
Nhưng một nhóm quan chức Bộ Công thương (Nhật) không nghĩ vậy. Họ kiên quyết vận động lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp thực hiện kế hoạch sản xuất ô tô. Họ đọc được một bài viết của một giáo sư nổi tiếng phân tích lợi thế so sánh của nước Nhật và các điều kiện biến lợi thế này thành hiện thực. Vậy là họ hẹn gặp vị giáo sư này tại nhà của ông để nghe trình bày rõ hơn. Câu chuyện giữa họ với vị giáo sư kéo dài đến tận năm giờ sáng hôm sau. Các quan chức ra về với quyết tâm thực hiện kế hoạch sản xuất ô tô cho nước Nhật. Họ gặp biết bao nhiêu khó khăn ban đầu, nhưng kết quả ra sao thì bây giờ ai cũng biết - kể cả chuyện Nhật mỗi năm Nhật xuất bao nhiêu xe hơi sang Mỹ.
GS Trần Văn Thọ bảo ông gọi các quan chức này của Bộ Công thương là “những anh hùng trong thời đại phát triển”. Họ thực hiện kế hoạch công nghiệp xe hơi cho nước Nhật không phải vì muốn được phong anh hùng, mà chỉ mong nước Nhật trở nên giàu mạnh. Không ai phong anh hùng cho họ, nhưng đối với nước Nhật - như cách nói của GS Thọ - các quan chức nọ thực sự là những anh hùng.
Quay trở lại với Bộ Công thương của chúng ta, nếu bất kỳ quan chức nào hay đơn vị nào làm được như các “đồng liêu tiền bối” người Nhật đã làm, thiết nghĩ cả dân tộc này sẵn sàng phong anh hùng cho họ ngay, thậm chí hai lần như anh hùng Hồ Giáo cũng hoàn toàn xứng đáng.
Còn EVN anh hùng năm nay? Báo Thanh niên dẫn nguồn EVN cho biết năm 2014, sản lượng điện của tập đoàn này là 142,25 tỉ kWh và số thất thoát là 16,54 tỉ kWh, tỷ lệ 8,6%. Nếu EVN giảm được tỷ lệ này xuống 7% trong năm nay, thì đề nghị phong anh hùng năm 2016 ngay.
EVN bảo khó quá sao? Khó mà làm được mới xứng danh anh hùng chứ!
Theo Sơn Tùng/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn