Sáng sớm ngày 22/8 (tức 7/7 âm lịch), Lại Thu Hiền (Thanh Xuân, Hà Nội) dậy sớm hơn mọi khi. Cô gái 24 tuổi tranh thủ rẽ ngang khu chợ gần nhà để mua một cốc chè đậu đỏ mang đi làm, với mong muốn "sớm thoát cảnh độc thân".
Hiền cho biết, từ vài ngày trước, cô và đồng nghiệp đã hẹn nhau ăn chè đậu đỏ. Những người trẻ này có niềm tin rằng, "ăn đậu đỏ đúng ngày Thất tịch sẽ may mắn tình duyên".
"Từ sáng tới giờ, trên mạng xã hội, rất đông bạn bè mình chia sẻ hình ảnh đặt hàng hay xếp hàng mua chè đậu đỏ, xôi đậu đỏ, sữa chua đậu đỏ. Sáng nay hộp chè mình mua không được ngon cho lắm. Tới trưa, mình và vài đồng nghiệp tiếp tục đặt qua ứng dụng để mua chè của một quán nổi tiếng trên phố cổ", Hiền kể. "Anh giao hàng nói lượng khách rất đông nên phải xếp hàng chờ. Mình đợi gần 1 tiếng mới nhận được chè", cô nói thêm.
Lễ Thất tịch mùng 7/7 Âm lịch gắn liền với sự tích về mối tình đau khổ của chàng Ngưu Lang và cô con gái út của Ngọc Hoàng mang tên Chức Nữ. Vài năm trở lại đây, giới trẻ thường truyền tai nhau, thưởng thức chè đậu đỏ trong ngày lễ Thất Tịch với mong muốn "thoát ế": Nếu người đang độc thân ăn đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch sẽ nhanh chóng tìm được ý trung nhân; trong khi đó, những người đã có đôi ăn đậu đỏ vào ngày này, tình yêu sẽ bền chặt, bên nhau cả đời.
Nắm bắt xu hướng ngày Thất Tịch, các hàng chè, tào phớ, trà sữa... đều gia tăng các món từ đậu đỏ, tung nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn.
Khung giờ sáng sớm, trưa và tan tầm ngày 22/8, các quán chè nổi tiếng tại khu vực phố cổ đều chật cứng thực khách và người giao hàng. Sản phẩm "cháy hàng" nhất là các món có nguyên liệu đậu đỏ.
Quán chè "4 mùa" nổi tiếng trên phố Hàng Cân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhanh chóng "bắt trend" giới trẻ, mở bán "menu đặc biệt 7/7" với hai món chè đậu đỏ uyên ương và sữa chua đậu đỏ. Chủ quán cho biết, ngày hôm nay, quán có thể bán hàng ngàn cốc chè, nhân viên phục vụ mỏi tay. Giá các loại chè dao động từ 25.000 - 50.000 đồng/cốc.
Quán chè này có đặc trưng "mùa nào thức nấy". Mùa hè, quán thường bán các món như chè đỗ đen, chè thập cẩm, chè sen đá, chè khúc bạch, sữa chua mít, sữa chua nếp cẩm... Tới mùa đông sẽ có thêm những món chè nóng như bánh trôi nóng, chè sắn nóng, lục tàu xá, chí mà phù... Ngày Thất tịch, món được làm nhiều nhất là chè đậu đỏ và sữa chua đậu đỏ.
Anh Phan Cương, một tài xế xe ôm công nghệ cho biết, trong 4 tiếng buổi sáng, anh nhận 7 đơn hàng giao chè đậu đỏ quanh khu vực quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. "Những quán nổi tiếng sẽ rất đông khách, chúng tôi phải xếp hàng chờ. May là món chè này thường được đóng sẵn vào hộp nên không quá mất thời gian. Có đơn họ đặt hơn 20 cốc chè và sữa chua đậu đỏ", anh Cương cho biết. Người tài xế này khá vui khi có một ngày thu nhập tốt.
Quán chè bà Thìn ở phố Bát Đàn cũng đông kín khách thưởng thức. Nhiều người đặt hàng chục cốc chè đậu đỏ từ cửa hàng nổi tiếng này.
Tính đến 12 giờ trưa ngày 22/8, quán chè người Hoa nổi tiếng Hà Ký - nằm trên đường Châu Văn Liêm, quận 5, TPHCM đã bán hơn 300 ly chè đậu đỏ sau khoảng 2 tiếng đồng hồ mở bán. Phía trước quán chè, người giao hàng và thực khách đứng chật kín lối ra vào. Chủ của quán chè này là bà Hà Tiểu Đoan, người đang kế thừa mẹ mình tiếp nối truyền thống nấu chè của gia đình. Tính đến hiện tại, quán chè do bà Đoan kế nghiệp đã có tuổi đời 38 năm.
Quán có tất cả gần 40 loại chè khác nhau, bao gồm cả chè nóng và chè lạnh. Cứ mỗi năm, bà Đoan lại sáng tạo một món chè mới để chiều lòng thực khách. Giá chè của quán dao động từ 25.000 - 45.000 đồng.
Hôm nay, quán phục vụ 3 loại chè đậu đỏ, gồm chè đậu đỏ, đậu đỏ dừa và đậu đỏ hạt sen. Số lượng đậu đỏ dừa là hút khách nhất vì vị dừa thơm béo, ngọt vừa phải, có đá nhuyễn ăn kèm, không gây cảm giác béo ngậy.
Quang Minh - Như Khánh