Nghị quyết Đảng bộ quận Bình Thạnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định công tác giảm nghèo là 1 trong 15 chỉ tiêu mà Đảng bộ tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhằm đảm bảo tốt an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ quận xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần huy động, phát huy tối đa mọi nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.
Quận đã tổ chức khảo sát lập danh sách phân loại theo từng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 của Thành phố. Khảo sát cho thấy, toàn quận có 115.096 hộ dân, trong đó có 3.051 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,65%, bao gồm có 1.079 hộ cận nghèo cuối năm 2015 chuyển sang, có 1.972 hộ nghèo phát sinh theo chuẩn nghèo mới. Đồng thời, có 2.711 hộ cận nghèo theo chuẩn mới, chiếm tỷ lệ 2,36%, trong đó có 548 hộ cận nghèo cuối năm 2015 chuyển sang, 2.163 hộ cận nghèo phát sinh.
TP HCM nhìn từ trên cao |
Xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả
Dựa trên số liệu khảo sát, quận Bình Thạnh xây dựng các kế hoạch, giải pháp và ban hành các quyết định thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Đã có nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tự phấn đấu vươn lên, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững như: hỗ trợ về tín dụng ưu đãi, lao động - việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, trợ giúp pháp lý, tiền điện cho hộ nghèo, hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách an sinh xã hội khác...
Quận thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác giảm nghèo cũng như tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ giảm nghèo để nắm, hiểu biết sâu và đầy đủ hơn về người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thường xuyên thực hiện thu thập thông tin về nghèo đa chiều để phục vụ cho việc dự báo, theo dõi, đánh giá, phân tích nguyên nhân nghèo; xây dựng các tiêu chí để đưa ra chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả; đồng thời tuyên truyền cho người dân phải nỗ lực thoát nghèo.
Nhờ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, phát huy tác dụng, trong đó điển hình là mô hình “Tổ tự quản giảm nghèo bền vững” hay mô hình “Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm ổn định”. Mô hình này tập trung chăm lo người dân bán hàng rong bị ảnh hưởng việc làm do lập lại trật tự lòng lề đường với các giải pháp hỗ trợ phù hợp như hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế; phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố, Trường Trung cấp nghề và các doanh nghiệp... để đào tạo, tuyển dụng, chuyển đổi nghề nghiệp.
Các đơn vị, phòng ban, đoàn thể quận cũng thực hiện nhiều mô hình chăm lo hộ nghèo, hộ cận nghèo như: trao phương tiện sinh kế; tương trợ; liên kết đào tạo nghề và giải quyết việc làm; chăm lo học bổng cho con hộ nghèo, hộ cận nghèo;...
Bản thân các phường cũng có nhiều mô hình hay được nhân rộng như: hỗ trợ tiền rác hàng tháng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số đang sống ven và trên kênh rạch, nuôi heo đất tiết kiệm để hỗ trợ phương tiện sinh kế, mô hình tay trao tay, vận động cơ sở tôn giáo mở sổ tiết kiệm cho hộ nghèo thuộc diện người có công, 1 kèm 1, 2 giúp 1...
Cùng với đó, người nghèo ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, tín dụng…
Sau thời gian thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, theo kết quả rà soát, tính đến hết 2019, quận không còn hộ nghèo, có 1.218 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,83% tổng số hộ dân của quận. Riêng Phường 14 hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2016 - 2020.
Việc triển khai chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn quận đã thật sự đi vào cuộc sống của người dân, từ đó nhiều hộ được đổi đời, có thêm động lực phấn đấu vươn lên, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Duy Linh