"Alô?" - tiếng nói vụt tắt, chỉ còn âm thanh lẹt xẹt của đường truyền. Nhưng nỗi tuyệt vọng của người gọi thì thấy rõ: "Tình hình của chúng tôi rất tồi tệ, không thể tệ hơn nữa".

TIN BÀI KHÁC:

Ở đầu dây bên kia, Ameena Saeed Hasan chìa ra một chiếc phao cứu đắm: cơ hội cho nạn nhân thực hiện một cuộc tẩu thoát khỏi cảnh cầm tù nô lệ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo CNN, hàng ngày, Hasan nhận được nhiều cuộc gọi như vậy. Từng là một nhà lập pháp của Iraq, cô giờ đang tự giao cho mình nhiệm vụ cứu thoát càng nhiều phụ nữ Yazidi càng tốt.

{keywords}
Các cô gái Yazidi trong tay IS bị cưỡng hiếp và bán đi bán lại nhiều lần. (Ảnh có tính minh họa)

Khi IS chiếm được Mosul, Hasan đã nghĩ người Yazidi ở trên núi Sinjar sẽ an toàn, vì ở đó không có bất cứ thứ gì. Nhưng các chiến binh IS vẫn đến Sinjar. Có thể không có dầu lửa, nhưng có một nguồn lực quan trọng khác mà chúng có thể lấy đi: con người.

Các tay súng Hồi giáo đã bắt giữ hàng nghìn phụ nữ và trẻ nhỏ Yazidi. Chúng giết chết đàn ông. IS giải thích rằng, kinh Quran cho phép bắt giữ phụ nữ và các bé gái không theo đạo Hồi và chúng có thể cưỡng hiếp họ.

Tộc Yazidi là một cộng đồng nhỏ ở Iraq, tin chỉ có một đấng tối cao duy nhất đã tạo ra Trái đất và giao cho một thiên thần công chăm sóc. IS tiến hành bức hại họ ở quy mô lớn vì cho rằng người Yazidi thờ phụng quỷ dữ.

{keywords}

Liên Hợp Quốc tuyên bố IS đang phạm tội diệt chủng chống lại người Yazidi.

Nhiều người Yazidi có thân nhân mất tích đã tìm đến Hasan xin giúp đỡ.

"Mọi người biết tôi. Tôi đến từ Sinjar và tôi cũng là người Yazidi. Tôi biết nhiều người bị bắt cóc. Một số là người thân của tôi, hàng xóm của tôi và họ gọi cho tôi".

Cùng với chồng là Khalil, Hasan quản lý một mạng lưới giải cứu phụ nữ Yazidi: Cô nhận điện thoại, và Khalil thực hiện hành trình nguy hiểm tới biên giới Iraq-Syria để đưa họ tới nơi an toàn.

Đến nay, vợ chồng Hasan đã cứu được hơn 100 người. Trong số những người đầu tiên có một phụ nữ 35 tuổi với 6 con nhỏ - tất cả đều bị IS bắt giữ, bị mua đi bán lại nhiều lần.

Trong cuộc gọi tuyệt vọng tới Hasan, nạn nhân kể lại những gì đã xảy ra: "Họ đưa lên hai xe tải lớn và đi đâu tôi không rõ. Khi chúng lùa người lên xe, một phụ nữ cãi lại nên chúng giết cô ấy".

Nạn nhân này may mắn thoát được nhưng nhiều người không may mắn như thế. Hasan cho biết, nhiều phụ nữ do bị hãm hiếp và lạm dụng liên tục đã tìm đến cái chết.

"Chúng tôi chỉ muốn họ được cứu. Hàng trăm cô gái đã tự tử", Hasan nói trong nước mắt. "Tôi có ảnh của một số cô gái như vậy... Họ mất  hy vọng được giải cứu và bị IS đem bán nhiều lần, cưỡng hiếp liên tục. Chúng tôi mất liên lạc với phần lớn họ rồi".

{keywords}
 

Công việc của Hasan đã được ghi nhận bằng một giải thưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ngoại trưởng John Kerry ca ngợi cô đã có "những nỗ lực dũng cảm vì cộng đồng người Yazidi ở miền bắc Iraq, vì đã khẳng định rằng thế giới biết đến nỗi khiếp sợ mà họ phải đương đầu, và... sự tận tâm không nao núng giúp đỡ các nạn nhân, cứu sống nhiều người".

Tuy nhiên, Hasan vẫn bị ám ảnh bởi suy nghĩ về những người cô không thể giúp đỡ. "Tôi không ngủ được. Tôi không thể quên những gì đã xảy ra với họ", cô tâm sự.

Nhiều người đã tham gia cuộc chiến chống lại IS. Thay vì bom đạn thì vũ khí của Hasan là chiếc điện thoại. Cô tạo ra hy vọng cho các cô gái Yazidi trong tay IS, dù là từ xa, và cam kết rằng họ sẽ được giúp đỡ.

Thanh Hảo