Các mô hình kinh doanh game nhập vai MMORPG từ khi mới ra đời cho đến nay đã có nhiều thay đổi khác nhau. Từ giai đoạn đầu tiên của thị trường, vấn đề thi phí giờ chơi đã khá phổ biến đối với các game online nhưng từ sau năm 2005, xu thế chơi game free-to-play đã gia tăng một cách chóng mặt khiến game thủ dần dà quen với khái niệm ‘đã online thì phải free’. Bên cạnh đó, còn có thêm mộ thế lực khác là buy-to-play cũng đang dần dần chiếm được niềm tin từ cộng đồng game thủ bởi chất lượng cũng như sự công bằng mà nó mang lại được tối ưu hơn. Quả thật, để lựa chọn mô hình nào là tốt hơn là điều khá đau đầu bởi mỗi thứ đều có ưu khuyết riêng cho nên chúng ta hãy cùng dự đoán xem trong tương lai, liệu mô hình nào sẽ tồn tại bền vững hơn nhé.
Hàng loạt tựa game P2P chuyển sang mô hình F2P để cứu vãn tình thế
Tựa game đỉnh cao mới nhất chuyển từ mô hình pay-to-play sang free-to-play là Elder Scrolls Online của nhà phát hành Zenimax Online. Với những người chơi đã tham gia vào game này khá lâu, họ cho rằng việc trả phí để chơi game chỉ nên phù hợp với những con nghiện game có thể cày cuốc liên tục mà không phải lo toan cuộc sống hàng ngày mà thôi. Đối với những người còn có sự nghiệp học hành, đi làm kiếm sống thì việc ngồi cắm mặt vào máy tính 24/24 để tận dụng từng phút từng giây trong game là điều không thể cho nên họ cảm thấy quá lãng phí. Do đó, trò chơi này đã bị sụt giảm lượng người chơi một cách đáng kể, đến nỗi mà cuối cùng Zenimax Online cũng phải thừa nhận sai lầm của mình khi áp dụng mô hình pay-to-play và chuyển sang free-to-play.
Trong 2 năm qua, đã có khá nhiều tựa game chuyển đổi mô hình kinh doanh sang free-to-play và việc thiết lập 1 danh sách cụ thể có lẽ là quá thừa thãi cho nên chúng ta sẽ chỉ nhắc đến một vài ví dụ điển hình mà thôi và đó là Star Wars: The Old Republic. Ban đầu, chính sách phát hành kiểu nửa vời của hãng EA đã suýt chút nữa khai tử chính sản phẩm của mình. Họ đã quảng cáo rằng đây là một sân chơi miễn phí dành cho mọi người và khi game thủ háo hức kéo đến thì mới ngỡ ra rằng “À, miễn phí thì một số tính năng cũng miễn luôn!”. Điều này đã khiến cộng đồng game thủ tỏ ra khá bức xúc đối với trò chơi này và thời điểm tháng 12 năm 2011, số lượng game thủ ban đầu là 1,7 triệu người thì đến tháng 2 năm 2012 giảm xuống còn 1,3 triệu, đến tháng 6 năm 2012 thì chỉ còn 1 triệu. Dĩ nhiên, nếu cứ tiếp tục duy trì lối phát hành như vậy thì trò chơi này thậm chí khó mà ‘thọ’ được đến năm 2013 và do đó EA quyết định biến Star Wars: The Old Republic thành miễn phí hoàn toàn.
Mô hình Freemium
Đây là mô hình được áp dụng khá nhiều thời gian gần đây đối với cả các dịch vụ xã hội (như Skype, Flickr, Webroot…) và cả game online nữa. Nói nôm na thì hình thức này vẫn cho phép game thủ được trải nghiệm các tựa game một cách miễn phí nhưng sẽ thu phí nếu người chơi có nhu cầu muốn sử dụng các chức năng cao cấp hơn, ví dụ như Rift, TERA, Star Trek Online, Dediance, Lineage II và Lord of the Rings Online.
Tuy nhiên, điều này cũng mang lại nhiều hạn chế bởi nếu vậy thì các game thủ chọn hình thức chơi miễn phí sẽ không hoàn toàn được trải nghiệm 100% game mà nói thẳng ra thì nó giống như một phiên bản thử nghiệm chỉ trở thành chính thức nếu bạn chi tiền.
Tuy nhiên, mô hình này lại có một đặc điểm là giúp người chơi cân đối được việc chi tiêu vô tội vạ vào game. Khía cạnh cốt lõi của một trò chơi freemium là bạn phải trả tiền để hưởng thụ những lợi ích cao cấp hơn và người nào chi càng nhiều tiền thì vẫn là người có sức mạnh lớn nhất (chứ không phải kỹ năng chơi game). Điều này cũng tương tự như bao mô hình kinh doanh khác nhưng các nhà phát triển ra mô hình này cũng đã khôn khéo tạo ra những ‘rào chắn’ để game thủ cao cấp không cách biệt quá xa so với các game thủ thường. Có thể nói đây đang là xu hướng của các nhà phát triển game hiện nay.
Vậy còn Final Fantasy XIV và World of Warcraft thì sao?
Chắc chắn nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao 2 trò chơi này lại không chuyển sang mô hình free-to-play. Trên thực tế, cả 2 tựa game này đều không cần thiết phải áp dụng chiến lược kinh doanh đó bởi chúng đã có số lượng người chơi khá ổn định rồi, mặc dù dĩ nhiên, nếu chuyển sang mô hình freemium hay free-to-play thì lượng người chơi tham gia chắc chắn sẽ đông đảo hơn nhưng các nhà phát hành của chúng thực sự không cần.
Với trường hợp của World of Warcraft, lượng thuê bao của trò chơi này vẫn đang duy trì ở mức khá ổn định, tuy đã có thời điểm game thủ cảm thấy bất mãn vì một số phiên bản mở rộng nhưng kể từ khi Warlords of Draenor ra đời thì tình trạng này cũng chấm dứt. Vì vậy, có thể nói 2 trò chơi này đang nằm trong phạm vi khá an toàn so với các trò chơi khác và vẫn có thể tiếp tục trên con đường mà mình đã chọn trong nhiều năm nữa.
T.B