Tại tọa đàm “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN)” do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện Viện Khoa học Công nghệ & Môi trường đã có báo cáo mức độ chuyển đổi số của các HTX và thành viên vùng đồng bào DTTS & MN, giải pháp xây dựng “chợ sản phẩm trực tuyến”.

đào tạo cho HTX.jpg
Chuyển đổi số được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển. 

Theo báo cáo, để thích ứng và hội nhập, các HTX cũng đã không ngừng đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào các hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng dịch vụ. Trong đó, chuyển đổi số được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của các HTX diễn ra còn rất chậm với quy mô nhỏ, đơn giản. Thực tế hiện nay, các nền tảng ứng dụng chuyển đổi số phục vụ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, HTX trên thị trường rất nhiều nhưng phân tán, rời rạc, thiếu tính đồng bộ, chưa thuận tiện và phù hợp cho các HTX tiếp cận và áp dụng, đặc biệt là thành viên đồng bào vùng DTTS & MN.

Tiềm năng, hiệu quả áp dụng thương mại điện tử thông qua khu vực kinh tế tập thể, HTX để hỗ trợ đồng bào vùng DTTS & MN là rất lớn. Do đó, Liên minh HTX Việt Nam được Đảng, Nhà nước và Ủy Ban Dân tộc giao thực hiện dự án “Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2023 - 2025”. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng cho các đồng bào DTTS & MN. 

Liên minh HTX Việt Nam giao Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì thực hiện đánh giá mức độ chuyển đổi số của các HTX và thành viên đồng bào vùng DTTS & MN, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả trong “Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2023 - 2025”.

Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức điều tra số mẫu đại diện là 200 HTX và hơn 1000 thành viên tại 30 tỉnh, thành phố trên 8 vùng kinh tế về mức độ chuyển đổi số. Thực hiện đánh giá mức độ chuyển đổi số theo hướng dẫn tại Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ TT&TT về việc Phê duyệt Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.

Kết quả đánh giá cho thấy, chỉ số đánh giá hiện trạng tiếp thị điện tử của các HTX còn rất thấp, chỉ đạt trung bình 1,27/5, đạt 25,5%. Chỉ số này cho thấy các HTX vùng đồng bào DTTS & MN hoạt động tiếp thị điện tử còn rất thấp. Điểm trung bình chỉ số thương mại điện tử của các HTX là 1,25 điểm. Trong đó, điểm thành phần cao nhất đạt 1,37 điểm là chỉ số mức độ giao tiếp với khách hàng qua môi trường số; chỉ số tỷ lệ doanh thu của mảng thương mại điện tử thấp nhất đạt 1,2 điểm. Các số liệu này cho thấy hiện trạng sử dụng thương mại điện tử của các HTX vùng đồng bào DTTS & MN hiện đang rất hạn chế, đạt 1,25/5 điểm tức là được ¼ so với ngưỡng đánh giá tối đa 

Chỉ số hoạt động trực tuyến được đánh giá bằng 4 chỉ số thành phần, điểm trung bình chỉ số hoạt động trực tuyến của các HTX là 1,31 điểm. Trong đó, điểm thành phần cao nhất đạt 1,44 điểm là chỉ số tần suất sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến; chỉ số tần suất tác nghiệp với doanh nghiệp khác trên môi trường số và tần suất tác nghiệp với cơ quan nhà nước trên môi trường số có điểm bằng nhau và thấp nhất đạt 1,26 điểm.

Tỷ lệ các HTX có kế hoạch chuyển đổi số đạt 7,47/25 điểm, đạt 29,9%. Chỉ tiêu cơ sở hạ tầng: tiêu chí kết nối Internet cố định đạt 2,76/5 điểm, kết nối Internet không dây đạt 2,9/5 điểm. Chỉ tiêu này cho kết quả tương đối khả quan vì đây là một điều kiện quan trọng quyết định đến khả năng áp dụng chuyển đổi số của HTX.

Chỉ tiêu công nghệ số cơ bản còn ở mức thấp với điểm trung bình đạt 1,42/5 điểm tương đương với 28,3%. Trong đó chỉ số thành phần mức độ sử dụng hóa đơn điện tử đạt 1,51/5 điểm. Mặc dù quy định về sử dụng hóa đơn hiện nay là điện tử hoàn toàn, tuy nhiên kết quả này cho thấy các HTX còn rất ngại, hạn chế sử dụng hóa đơn.

Kết quả điều tra cũng cho thấy tỷ lệ thành viên HTX sử dụng Smartphone rất cao với 4,67/5 điểm. Đây là một tín hiệu khả quan và là một thuận lợi lớn cho việc chuyển đổi số và ứng dụng TMĐT của HTX sắp tới. Tỷ lệ thành viên sử dụng Internet cho công việc đạt 2,27 điểm. Tuy nhiên, khi được hỏi chi tiết, thì các HTX trả lời làm việc chính là gọi điện trao đổi với khách hang, nhắn tin, gửi hình ảnh… thông qua các app trò chuyện như Zalo, messenger bằng điện thoại di động. 

Với tổng điểm trung bình của 200 HTX và 1000 thành viên là 87,2 điểm và đánh giá theo các trụ cột của bộ tiêu chí, có thể kết luận các HTX và thành viên vùng đồng bào DTTS & MN đang ở giai đoạn đầu của mức 2, tức là giai đoạn đầu của quá trình bắt đầu chuyển đổi số. 

Kết quả đánh giá này tương đối sát thực với thực tế khảo sát hiện trường. Đây là bức tranh cụ thể về hiện trạng mức độ chuyển đổi số của các HTX và thành viên vùng đồng bào DTTS & MN hiện nay. Kết quả này cũng là cơ sở để đề xuất các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các HTX vùng đồng bào DTTS & MN tiếp cận, ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trà My và nhóm PV, BTV