Năm 2017 có thể được coi là năm đầy ám ảnh của các sếp lớn tập đoàn nhà nước trong những dự án nghìn tỷ đầy tai tiếng. Không chỉ dừng lại ở 12 dự án của ngành Công Thương, những dự án, những tập đoàn lớn khác cũng vào tầm ngắm. Các sếp tập đoàn đang phải trả giá cho những việc làm sai trái trong quá khứ khi quyết tâm “dọn dẹp” lề thói làm việc vô trách nhiệm đang nóng lên từng ngày.

Từ dầu khí đến hóa chất

Trong số 12 dự án thua lỗ nặng nề, kém hiệu quả thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm vị trí “đầu bảng” với 5 dự án, 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Ngoài ra, hàng loạt dự án đầu tư khác của Tập đoàn Dầu khí cũng vướng nhiều tai tiếng.

{keywords}
Hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo của PVN đã bị khởi tố, bắt giam.

Thế nên, không khó hiểu khi các lãnh đạo, cựu lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là những người được gọi tên đầu tiên trong chiến dịch truy trách nhiệm trong các dự án nghìn tỷ thua lỗ, đắp chiếu, dở dang, chậm tiến độ.

Trong suốt 2 năm qua, đã có hàng chục cán bộ cấp cao của ngành dầu khí, gồm có cán bộ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như lãnh đạo các công ty con, lần lượt vướng vòng lao lý, trong đó năm 2017 được coi là “đợt cao điểm”.

Tính đến nay, 3 đời lãnh đạo cao nhất của PVN qua các thời kỳ đã bị khởi tố, bắt giam. Đó là ông Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh, Đinh La Thăng. Trong đó, đặc biệt nhất là ông Đinh La Thăng khi ông này sau khi rời ghế Chủ tịch PVN đã kinh qua nhiều trọng trách như Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh, rồi Phó trưởng ban kinh tế Trung ương.

Cùng với đó, hàng chục lãnh đạo khác của Tập đoàn Dầu khí kể cả đương chức lẫn về hưu đã bị cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, bắt giam. Danh sách lên đến vài chục người, từ tập đoàn cho đến các công ty thành viên.

Còn tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC), hàng chục “người PVC” đã bị khởi tố bắt giam, trong đó đứng đầu là Trịnh Xuân Thanh. Đến thời điểm này, các cựu sếp to nhất của “công ty mẹ” PVC đều đã bị khởi tố và tạm giam, bao gồm Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Là đơn vị đứng thứ hai về số dự án thua lỗ ngành Công Thương (4 dự án), cho nên loạt lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam qua các thời kỳ cũng đã phải chịu trách nhiệm.

{keywords}
Ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Đối với các cá nhân thuộc Vinachem, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỳ họp thứ 17 đã ra thông báo đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật với ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; quyết định kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Quốc Tuấn - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem; kỷ luật cảnh cáo với các ông Đỗ Quang Chiểu - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty và ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Vinachem. Hiện tại, Bộ Công Thương đang khẩn trương xem xét thi hành kỷ luật về mặt hành chính đối với các tập thể và cá nhân của Vinachem.

Ngày 20/9, Ban Bí thư đã quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng của ông Nguyễn Anh Dũng, bao gồm cách chức ủy viên BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, ủy viên BCH Đảng bộ Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.

Lửa lan đến Tập đoàn Cao su

Những cá nhân của Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hóa chất còn đang tiếp tục bị điều tra, thì một cái tên mới  xuất hiện. Lần này là Tập đoàn cao su.

{keywords}
Cựu Chủ tịch Tập đoàn cao su mới đây đã bị khởi tố sau nhiều năm nghỉ hưu.

Ngày 7/12, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật đối với 5 bị can gồm: ông Lê Quang Thung - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam; Nguyễn Thành Châu - nguyên Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Văn Minh - nguyên Kế toán trưởng Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Hồng Phú - nguyên Giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng; Hoàng Văn Sơn - Kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng.

5 bị can bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại điều 165 - bộ luật Hình sự.

Trong đó, ông Lê Quang Thung được bổ nhiệm chức quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Cao su vào tháng 3/2010 sau hàng chục năm giữ chức Tổng giám đốc.

Giữ trọng trách đứng đầu Tập đoàn Cao su chỉ hơn 1 năm, ông Lê Quang Thung nghỉ hưu từ 1/1/2012. Những tưởng sẽ “hạ cánh an toàn”, nhưng ông Thung đã bị cơ quan bảo vệ pháp luật “điểm mặt” bằng quyết định khởi tố kể trên. 2 năm sau khi ông này nghỉ hưu, năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra tại Tập đoàn Cao su Việt Nam. Nhiều sai phạm nghìn tỷ đã được chỉ ra.

Ngoài việc đề nghị kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh những tồn tại, khuyết điểm tại Tập đoàn cao su cùng các đơn vị thành viên và yêu cầu xử lý về kinh tế hơn 8.366 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ còn đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra những sai phạm nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế được phát hiện khi thanh tra.

Kết quả là, vị lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Cao su Việt Nam thời kỳ thanh tra dù về hưu cũng không thể rũ bỏ được trách nhiệm.

Từng được kỳ vọng trở thành các “quả đấm thép” nhưng nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước lại trở thành nỗi thất vọng lớn. Các sai phạm liên tục bị phanh phui. Các cuộc “dọn dẹp” hậu quả chưa dừng lại. Những cá nhân, tập thể trực tiếp, gián tiếp gây ra những hệ quả khi điều hành các “quả đấm thép” phải chịu trách nhiệm.

Việc hàng loạt nhân sự bị bắt như kể trên -  dù ở cương vị nào, dù chức tước to hay đã nghỉ hưu - cho thấy, khái niệm “hạ cánh an toàn” đã không còn là “tấm bùa” bảo đảm cho các sếp tập đoàn khỏi sự trừng trị của pháp luật.

Hà Duy