"Nữ hoàng thủy sản" mất 8.700 tỷ
Trái ngược với xu hướng hồi phục của thị trường chứng khoán, cổ phiếu VHC của CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn trong phiên giao dịch 25/11 giảm sàn 7% xuống còn 59.800 đồng/cp.
Trong 10 phiên qua, cổ phiếu Thủy sản Vĩnh Hoàn của "nữ hoàng thủy sản" miền Tây Trương Thị Lệ Khanh giảm tới 8 phiên.
Từ đầu tháng 6 tới nay, cổ phiếu VHC giảm hơn 44%, từ mức trên 107.000 đồng/cp xuống 59.800 đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa của Thủy sản Vĩnh Hoàn giảm gần 8.700 tỷ đồng. Riêng bà Lệ Khanh ghi nhận túi tiền quy từ cổ phiếu VHC đang nắm giữ giảm hơn 3.700 tỷ đồng.
Đây là một diễn biến khá tiêu cực của cổ phiếu thủy sản đầu ngành tại Việt Nam, khi thị trường chứng khoán có tín hiệu hồi phục tích cực. Cổ phiếu nhiều ngành quay đầu tăng trở lại, nhiều mã tăng trần như trong lĩnh vực bất động sản, thép, chứng khoán…
Sau khi chạm đáy 873 điểm sáng 16/11, chỉ số VN-Index hôm 25/11 đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 970 điểm.
Cổ phiếu VHC ngược dòng đi xuống khá nhanh trong bối cảnh xuất khẩu của ngành thủy sản gặp khó.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), trong tháng 9 xuất khẩu thuỷ sản đạt 850 triệu USD. Đây là lần đầu sau 7 tháng, xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức dưới 900 triệu USD.
Doanh thu xuất khẩu sang Mỹ tháng 10 của Vĩnh Hoàn giảm 13%, còn xuất sang Trung Quốc giảm 43% so với cùng kỳ, cho dù tháng 10 là tháng đỉnh điểm của mùa giao dịch cuối năm.
Trong dự báo gần đây, SSI Research cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản có dấu hiệu giảm tốc và lợi nhuận Vĩnh Hoàn đã đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Vĩnh Hoàn có thể sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2023.
Không chỉ Vĩnh Hoàn, nhiều doanh nghiệp thủy sản khác cũng gặp khó. Vào cuối quý III, Thuỷ sản Minh Phú (MPC) của vợ chồng ông Lê Minh Quang và bà Chu Thị Bình ghi nhận tồn kho lớn, đạt hơn 5.300 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. MPC phải trích lập dự phòng 136 tỷ đồng cho hàng tồn kho. Tồn kho của Camimex và Thực phẩm Sao Ta đều đạt trên 1.000 tỷ đồng và tăng so với đầu năm.
Triển vọng ngành thủy sản bớt sáng
Các doanh nghiệp thủy sản không những gặp khó do tình trạng thiếu container và giá cước tăng cao mà còn do sức tiêu dùng của người dân Mỹ và châu Âu giảm do lạm phát.
Theo Numerator, giá thủy sản tại Mỹ tăng vọt 16,8% trong tháng 7/2022 so với cùng kỳ năm trước. Giá thực phẩm thủy sản đông lạnh tăng 14,4%.
Theo VASEP, trong tháng 10, xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU giảm mạnh, lần lượt giảm 51% và 35%.
Về lâu dài, Thủy sản Vĩnh Hoàn có thể còn gặp khó ở Mỹ bởi Việt Nam được dự báo sẽ không còn lợi thế độc tôn tại khu vực châu Mỹ, khi một số nước đang có kế hoạch tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong khi hiệp định FTA Canada-ASEAN sắp tái khởi động.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản khác của Việt Nam cũng đối mặt với rủi ro này.
3 năm qua, sau khi tham gia CPTPP, xuất khẩu thủy sản sang châu Mỹ chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của thủy sản của Việt Nam.
Trong nước, Việt Nam đối diện với nhiều thách thức trong đó có lãi suất tăng.
Kể từ cuối tháng 9, lãi suất huy động tại Việt Nam tăng khá nhanh, từ mức 5-7% cho kỳ hạn từ 12 tháng đã tăng lên mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay, qua đó cũng tăng mạnh.
Trong nửa đầu năm 2022, các doanh nghiệp thủy sản trải qua thời kỳ đỉnh cao. VHC lãi gấp 3 lên hơn 1.300 tỷ đồng, trong khi “vua cá tra” một thời Navico thắng đậm nhờ giá thủy sản xuất khẩu tăng cao, nhu cầu mạnh mẽ sau đại dịch.