Sake (hay còn gọi là sa kê) có tên tiếng Anh là breadfruit – quả bánh mì bởi sau khi nấu chín có bề mặt giống như ổ bánh mì nướng, trong khi mùi và vị lại giống như khoai tây. Chúng là một loại thực vật có hoa, thân gỗ thuộc họ dâu tằm.

Sake được trồng để lấy quả, mỗi cây có thể cho từ 150 - 200 quả/ vụ mùa. Chúng xuất hiện đầu tiên ở bán đảo Mã Lai và các đảo thuộc Thái Bình Dương. Ngày nay, người dân đem giống sake về và trồng rộng rãi khắp khu vực nhiệt đới.

Tại Việt Nam, sake được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khu vực miền Tây Nam bộ. Chị Hoàng Thư (38 tuổi, TP.HCM) – chủ cửa hàng nông sản lớn tại quận Cầu Giấy cho biết: "Bề ngoài, sake giống quả mít của miền Bắc song bên trong lại không có hạt, thịt dày, màu trắng bùi bùi. Khi cắt ra, trông nó rất giống miếng khoai lang nhưng ăn lại vừa thơm vừa béo".

Loại quả xưa ở quê đầy không ai hái, giờ thành đặc sản được dân thành phố ưa chuộng, 70.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Bề ngoài, sake giống quả mít của miền Bắc song bên trong lại không có hạt, thịt dày, màu trắng bùi bùi.

Hiện tại sake đang bước vào những ngày đầu mùa, còn chính vụ chừng tháng 7 đến tháng 10 hằng năm. Khi đó người dân miền Tây sẽ thu hoạch trái già và bán ra thị trường với giá khá... rẻ, khoảng 50.000-70.000 đồng/kg.

"Trung bình mỗi quả sake sẽ có trọng lượng 0.5-1.5kg. Vì thế chị em nội trợ muốn mua chỉ cần bỏ ra dưới 100.000 nghìn đồng là có một quả về chế biến thành nhiều món ăn ngon", chị Hoàng Thư nói.

Cũng theo chị Hoàng Thư, xưa ở miền Tây ít ai bán sake bởi nhà nào cũng trồng 1-2 cây vừa lấy quả vừa lấy bóng mát. Thậm chí có gia đình có cây đầy quả già còn không muốn hái xuống vì đã quá ngán. "Vài năm trở lại đây, dân thành phố "đổ xô" đi tìm sake về thưởng thức. Vì thế tiểu thương chúng tôi mới bắt đầu vào đó gom hàng về bán.

Sake được trồng tự nhiên nên ăn rất an toàn, không hề có hóa chất. Đặc biệt chúng mang hương vị vừa béo vừa bùi, thơm ngon nên được nhiều người yêu thích lắm, đặc biệt là trẻ nhỏ", người phụ nữ nói.

Loại quả xưa ở quê đầy không ai hái, giờ thành đặc sản được dân thành phố ưa chuộng, 70.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Sake được trồng tự nhiên nên ăn rất an toàn, không hề có hóa chất.

Đến mùa sake, nhiều bà nội trợ ở Hà Nội đặt mua vài quả về chế biến các món ăn cho cả gia đình thưởng thức như chiên, hầm, nấu canh, nấu chè... Món nào cũng thơm ngon và bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe con người.

Chị Hoàng Thư cho biết, khi mua sake về, chị em nội trợ không cần quá nhiều thời gian để chế biến, chỉ cần gọt bỏ vỏ bên ngoài và rửa sạch rồi thái thành miếng. Thậm chí chị em có thể bọc từng miếng sake đã thái sẵn trong túi nilong rồi cất ngăn đá tủ lạnh, để thoải mái 6-7 tháng.

"Chọn sake cũng đơn giản lắm, chị em chỉ cần tinh ý một chút là chọn được ngay quả ngon, già như: quả cứng, nở hết gai, màu xanh vàng, có trọng lượng lớn từ 7 lạng trở lên. Khi đó bổ ra, những quả này có thịt có màu trắng ngà hoặc vàng nhạt, ăn không có nhựa, bở và bùi.

Một số khách hàng của mình khi chọn sake đã lấy quả nhỏ bởi sợ ăn không hết. Song đó lại chính là những quả non, nhiều nhựa, ăn sượng, không có độ dẻo và vị không ngọt", chị Hoàng Thư chỉ cách chọn sake ngon.

Từ sake, chị em nội trợ có thể chế biến thành nhiều món ngon như:

Sake chiên giòn

Đây là món ăn vặt được rất nhiều người yêu thích. Thịt sa kê bùi, ngọt được áo lên một lớp bột chiên vàng ươm trông rất đẹp mắt.

Loại quả xưa ở quê đầy không ai hái, giờ thành đặc sản được dân thành phố ưa chuộng, 70.000 đồng/kg - Ảnh 4.

Gỏi sake tôm thịt

Thịt sake béo bùi trộn lẫn với những con tôm tươi ngọt nước, chấm cùng với chén nước mắm chua ngọt khiến bạn phải thốt lên ngon tuyệt.

Chả giò sake

Chỉ với một chút biến tấu trong nguyên liệu, bạn đã có ngay một dĩa chả giò sake thơm ngon để thưởng thức cùng gia đình. Cuốn chả giò bé xíu bọc lấy phần nhân là thịt tôm, nấm mèo, bún tàu và sake cắt nhuyễn. Khi cắn thử, chả giò tan giòn tan vô cùng.

Sake kho tiêu xanh

Món ăn là sự kết hợp giữa những miếng sake ngọt bùi hoà quyện trong phần nước sốt cay the, đậm đà gia vị và mùi hương rất đặc trưng của tiêu xanh.