Sinh ra và lớn lên ở Lai Châu, chị Trần Thu Thủy (26 tuổi) xuống Hà Nội từ ngày học đại học. Học xong, chị ở lại thành phố làm việc cho một công ty dược phẩm. Do công việc tư vấn viên cũng không quá áp lực, chỉ làm trong giờ hành chính nên chị Thủy tập tành bán hàng online.

“Thấy nhiều chị em bán hàng online rất đắt khách nên mình cũng tập bán để kiếm thêm thu nhập. Hơn nữa, đi làm về thời gian buổi tối của mình cũng rất rỗi rãi. Ban đầu, mình định bán các loại rau củ của Lai Châu. Nhưng thấy vận chuyển xa theo xe khách, rau dễ bị dập nát nên mình chuyển sang bán các loại quả rừng, nhất là những loại quả rừng để ngâm rượu theo mùa như dứa rừng, táo mèo, na rừng, sâm xuyên đá... ”, chị Thủy nói.

{keywords}
Nho rừng
{keywords}
Táo mèo

Những loại quả này giá bình dân, ngâm rượu lại thơm ngon nên được rất nhiều người mua. Vì thế, chúng rất dễ bán lại không lo bảo quản do để được lâu.

Tất cả những loại quả rừng này đều được người nhà chị Thủy ở Lai Châu vào bìa rừng lấy hoặc thu mua lại của những người dân trong bản. Mỗi khi gom được nhiều, khoảng 10-50kg, họ lại chuyển xe người quen hoặc xe khách xuống Hà Nội. Do đó, đây đều là những quả rừng tươi ngon, không có hàng tồn.

“Có những thời điểm táo mèo hoặc na rừng vào vụ, mình còn bán được cả tạ vì nhiều người mua. Do đều là của nhà hoặc thu mua được giá gốc nên lúc nào mình cũng bán giá mềm hơn mọi người. Chẳng hạn, táo mèo mình chỉ bán 30.000 đồng/kg trong khi những người khác bán 40.000-45.000 đồng. Na rừng mình bán 100.000 đồng/kg còn nhiều người bán 120.000 đồng. Dứa rừng mình bán 70.000 đồng/kg, người khác bán 100.000 đồng”.

Vì các loại quả rừng đều là hàng chuẩn nên khi mua về ngâm rượu hay thái lát phơi khô rồi hãm trà uống khách hàng đều phản hồi rất thơm ngon. Cứ thế, chị Thủy dần gây dựng được lòng tin của mọi người và có khách quen đặt mua thường xuyên. Việc bán các loại quả rừng ngâm rượu ngày càng thuận lợi và đông khách hơn.

{keywords}
Na rừng
{keywords}
và các loại quả rừng khác được chị Thủy bán cho khách mua về ngâm rượu
{keywords}
Càng sát Tết, nhu cầu mua quả rừng ngâm rượu ngày càng nhiều

“Cứ người nọ mách người kia hoặc một người mua và sử dụng thấy tốt, thơm ngon nên họ lại mua tiếp hoặc mua hộ cho bạn bè, người thân. Vì thế, ngày nào mình cũng bán ít nhất được chục ký các loại quả rừng. Trừ mọi chi phí mua nguyên liệu, tiền ship ra thì mỗi ngày cũng thu về tầm 300.000-350.000 đồng từ việc bán các loại quả rừng, mỗi tháng cho thu về khoảng 9 triệu đồng”, chị Thủy thú nhận.

Cũng theo người phụ nữ công sở này, càng đến gần Tết Nguyên đán, càng nhiều người đặt mua các loại quả rừng ngâm rượu hơn. Do đó, chị Thủy cũng bán được số lượng nhiều hơn.

“Từ giờ đến Tết Nguyên đán còn gần 3 tháng nữa. Đây là thời điểm mà nhiều người đặt mua các loại quả rừng ngâm rượu Tết. Thường thì khách hay mua nho rừng, dứa rừng, na rừng,... ngâm từ nay đến Tết rất được nước và được bình rượu ngon. Nhiều khách đặt mua cả chục ký về ngâm rượu. Nhờ đó có ngày mình bán được 50kg đến cả tạ quả rừng các loại”, chị Thủy nói.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng ngày cận Tết của đông đảo khách quen, gần đây chị Thủy còn thu mua thêm các loại sâm xuyên đá để bán cho khách về ngâm rượu. Đây đều là những dược liệu quý, thường mọc ở rừng sâu, vách núi khu vực Lào Cai được nhiều khách ưa chuộng.

“Mình cứ túc tắc bán quanh năm, nhất là những tháng cuối năm nhu cầu của khách nhiều như vậy cũng giúp mình để ra được khoản kha khá tiêu Tết, đỡ phải chi tiêu vào lương tháng. Thời gian tới mình sẽ lấy thêm các loại thảo quả rừng, chè dây rừng để bán thêm cho đa dạng và mở rộng dần mặt hàng của mình”, chị Thủy tâm sự.

Thảo Nguyên