Mường Nhé, là huyện miền núi vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, với 10 dân tộc anh em cùng sinh sống. Huyện được thành lập theo Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 14/01/2002 của Chính phủ, gồm 6 xã: Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong, Chà Cang, Nà Hỳ với diện tích 250.790ha và 25.517 nhân khẩu trên cơ sở điều chỉnh địa giới 170.286 ha diện tích tự nhiên và 12.153 nhân khẩu thuộc 4 xã của huyện Mường Tè và 80.504 ha diện tích tự nhiên, 13.364 nhân khẩu thuộc 2 xã của huyện Mường Lay.

Tuy nhiên qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Mường Nhé đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội. Ngày nay, dọc theo Quốc lộ 4H vào Mường Nhé, xen lẫn những ngôi nhà sàn của đồng bào các dân tộc, đã thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng hiện đại, minh chứng cho sự đổi thay ở vùng cao biên giới.  

W-muongnhe.png
Mừng Lễ độc lập ở huyện biên giới Mường Nhé

Ngày mới thành lập, huyện Mường Nhé chồng chất khó khăn, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, người dân chủ yếu là canh tác lúa nương, ngô, sắn... Bên cạnh đó, dân số 100% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), với phương thức canh tác lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Hệ thống giao thông nông thôn chủ yếu là đường đất, đời sống Nhân dân hết sức khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm trên 90%. Đặc biệt là công tác dân tộc tôn giáo trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp. 

Trước thực tế đó, Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Nhé đã bắt tay củng cố tổ chức bộ máy chính trị từ huyện đến cơ sở nhằm nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển của địa phương; Đồng thời, vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm khơi dậy nội lực, tranh thủ tối đa các nguồn lực của Nhà nước để đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống, ổn định chính trị, an ninh trật tự dân tộc, tôn giáo. Hiện nay, huyện đã có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 11 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; đời sống người dân từng bước được nâng lên. 

Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều chỉ còn chiếm 60%. Toàn huyện đạt chuẩn phổ cập Mẫu giáo cho trẻ em 5 tuổi; Phổ cập giáo dục tiểu học, THCS có 11/11 xã đạt chuẩn mức độ 2. Toàn huyện có 18/37 trường học đạt chuẩn quốc gia.

Đặc biệt, huyện tích cực triển khai Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh theo Quyết định 79/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã bố trí sắp xếp được 1.016/1.079 hộ, đạt 94,16% so với mục tiêu đề án phê duyệt; bố trí đất ở cho 634 hộ với diện tích 107ha; đất sản xuất 1.236ha cho 528 hộ. Đặc biệt, không còn tình trạng người dân di cư tự do.

Trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo các đơn vị rà soát được trên 27 nghìn ha diện tích đất chưa có rừng để đầu tư trồng rừng, cây mắc ca, các cây công nghiệp, dược liệu có giá trị kinh tế cao. HIện nay, trên địa bàn đã có Công ty Cổ phần Him Lam mắc ca Tây Bắc đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và UBND xã Sín Thầu, Sen Thượng và xã Leng Su Sìn, thực hiện trồng 452,22 ha cây mắc ca, đạt 4,47% so với quy mô phê duyệt dự án. Hiện nay, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. 

Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo mở rộng trồng cây dược liệu như sa nhân, ước đạt khoảng 127,4 ha; thảo quả 16,3ha; sả java 159,3ha, 70ha giổi lấy hạt, 100ha quế...

Đặc biệt, xác định lợi thế về chăn nuôi gia súc, huyện đã vận động người dân đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá, nuôi nhốt tập trung. Hiện toàn huyện đã phát triển đàn trâu, bò đạt 17.108 con. Tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành sơ bộ năm 2021 của ngành chăn nuôi đạt 86.151,41 triệu đồng, chiếm 20,06% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh, huyện cũng đã xây dựng được mô hình du lịch cộng đồng, homestay, các hoạt động giao lưu văn hóa, các lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc như ngày hội đoàn kết các dân tộc huyện Mường Nhé, Lễ Cúng bản, Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì, Tết Hoa Mào gà của dân tộc Cống, Lễ mừng cơm mới của dân tộc Si La, chợ phiên lối mở A Pa Chải. Đầu tư phát triển các sản phẩm OCOP như: Gạo tẻ thơm, gạo tẻ đỏ Hà Nhì, thịt trâu, bò, cá gác bếp, cam tươi Mường Nhé….thu hút được nhiều khách du lịch đến thăm quan.

Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Đảng bộ huyện đã ban hành đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển văn hoá du lịch; tăng cường xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 6 nhóm giải pháp để thực hiện 18 mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trên tất cả các lĩnh vực; trong đó phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 38,43%, giảm 20% so với năm 2020.

Trên cơ sở đó, để khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU “Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn huyện Mường Nhé giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 04-NQ/HU, “Về việc phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững huyện Mường Nhé giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị quyết số 05-NQ/HU “Về việc chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 19/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Mường Nhé giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Văn Điệp, Tuấn Anh, Tuấn Kiệt, Nguyễn Thảo, Huyền Sâm