Bầu Đức, ông chủ café Trung Nguyên, đại gia ngân hàng Trầm Bê… nổi danh là những đại gia giàu có, sở hữu khối tài sản “siêu khủng”, nhưng ít ai biết, họ từng có một tuổi thơ vô cùng nghèo khó và cơ cực.

“Thằng nhỏ” Trầm Bê quanh năm chỉ 1 bộ đồ dính da

Trước khi trở thành đại gia quyền lực trong giới ngân hàng, ông Trầm Bê từng trải qua một tuổi thơ cơ cực bao cậu bé quê mùa nào khác.

Ông sinh ra và lớn lên tại xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Những người lớn tuổi đang sống ở Trà Cú ngày nay đều biết chuyện ổng nuôi từng con gà, con heo... đợi lớn mang ra chợ bán, kiếm tiền nuôi ba má. Quanh năm chỉ có một bộ đồ dính da.

Tuổi thơ nghèo khó của đại gia Trầm Bê cũng được ông Thạch Song Sơn – nguyên Đại biểu Quốc Hội Việt Nam khóa X, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.

{keywords}

Tuổi thơ nghèo khó của đại gia Trầm Bê

"Tôi biết Trầm Bê có được ngày hôm nay, là cả một quá trình phấn đấu gian khổ. Theo tôi biết, Trầm Bê từng phải đi ở đợ cho hào phú, sáng sáng dắt bầy trâu ra đồng... Chở củi mướn. Có lần, đang chở củi cho người ta, gặp sóng to, gió lớn, chìm xuồng tưởng chết. Cực khổ trăm bề, khi thành đại gia, Trầm Bê vẫn không quên nguồn cội nghèo khó của mình, luôn hướng về quê hương.

Hai người được đại gia Trầm Bê nhớ ơn, đó là bà Hai Phiến, cô ruột của anh Mười và cô giáo Giàu, người đã dạy ông Trầm Bê những con chữ đầu tiên.

Mới 8 tuổi, cậu bé Trầm Bê ở đợ nhà bà Hai Phiến và giao chăn đàn vịt tàu. Tuổi thơ hiếu động, mải chơi mà cậu quên chăn vịt. Đến lúc sực nhớ, đàn vịt tàu hơn trăm con đã “tràn” sang một cánh đồng lúa chín gần đó, phá nát một khoảnh lớn. Nhìn đàn vịt mổ, rỉa lúa, cậu chỉ biết đứng khóc ròng, sợ hãi… Nghĩ là chủ ruộng sẽ mắng bà Hai Phiến và đánh đòn cậu, Trầm Bê đã bỏ trốn, không dám về nhà.

Ít ngày sau, bà Hai Phiến nhắn cho một người bạn của cậu: “Chuyện lỡ rồi, dì Hai đã đền bồi thiệt hại cho người ta. Trầm Bê đang ở đâu, cứ đi về, dì Hai không đánh đòn và la mắng gì đâu”. Và cậu bé Trầm Bê đã quay về, tiếp tục công việc chăn vịt của mình.

Người thứ hai có ấn tượng sâu đậm trong ký ức của đại gia Trầm Bê là cô giáo Giàu, người đã dạy cho cho cậu bé Trầm Bê thuở ở đợ,… những con chữ đầu tiên. Nhà nghèo nên Trầm Bê không thể đến trường, cô giáo Giàu thấy Trầm Bê hay đứng ngoài cửa lớp xem các bạn học nên đã động lòng, cho cậu vào lớp ngồi và dạy dỗ. Vừa đi làm vừa phải đi học nên cậu học thất thường.

Anh Mười, người sống gần nhà cô giáo Giàu cho biết: “Cô Giàu thương ông Bê lắm. Ngày đó ông Bê nghèo quá đỗi, đi chưn đất, quần áo rách nát, có một bộ mặc hoài. Được cái ổng sáng dạ nên cô dạy vài lần là ổng nhớ mặt chữ. Học được vài năm, ổng theo má lên Sài Gòn mần mướn….”

Khi Trầm Bê lên Sài Gòn lập nghiệp không có tiền đi xe, hai má con của ông phải năn nỉ một chủ xe đò, cho quá giang. Lên đến Sài Gòn, cậu bé Trầm Bê đến ở đợ tiếp cho một nhà giàu, năm đó ông khoảng chừng 13 tuổi. Lớn lên một chút, ông đi làm bốc vát ở một nhà máy bột mì, “bán” sức khỏe kiếm tiền nuôi mẹ.

Khi trở nên giàu có, ông đã bỏ tiền ra xây dựng chợ Hàm Giang, biến đổi hàng trăm con đường đất ở Trà Vinh thành những con đường nhựa khang trang, xây nhiều trường học, cất hàng ngàn ngôi nhà cho bà con nghèo.

Dĩ nhiên, ông không quên bà Hai Phiến và cô giáo Giàu. Anh Mười xúc động nói về việc ông Trầm Bê nhớ ơn người cô ruột của mình: “Ông Trầm Bê đã rước bà Hai Phiến lên Sài Gòn, mua cho một căn nhà khang trang, chu cấp tiền cho bà hàng tháng. Năm nay bà Hai Phiến đã 76 tuổi, già yếu, không ở Sài Gòn nữa, về quê Trà Vinh sống, để lại căn nhà đó cho con mình.

Những lúc về quê, ông Trầm Bê đều đến thăm. Các con, cháu của bà Hai Phiến đều được ông Trầm Bê tạo cho công ăn, việc làm ở bệnh viện Triều An, ngân hàng Phương Nam và ngân hàng Sacombank của ông.

Bầu Đức: 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất

Ông Đoàn Nguyên Đức sinh năm 1962, quê quán tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bầu Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Mẹ tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học bằng bữa cơm độn sắn, độn khoai. Cậu bé Đoàn Nguyên Đức ngày ngày dắt trâu ra đồng, thả ước mơ vào bãi ngô xanh và cánh diều no gió.

{keywords}

Thuở cơ hàn, bầu Đức chỉ có một tâm nguyện duy nhất là có tiền để học, học thật giỏi, đậu đại học

Lúc bấy giờ ông Đức chỉ có một tâm nguyện duy nhất là có tiền để học, học thật giỏi, đậu đại học và có một cái nghề để thoát ra khỏi cuộc sống bần hàn. 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, cái nắng cái gió làm cháy tóc sạm da càng khiến cho Đoàn Nguyên Đức nuôi quyết tâm thoát nghèo.

Lớp 12, năm 1982, cậu vào TP HCM thi đại học, mang theo khát vọng của cả gia đình và những tham vọng từ thuở ấu thơ. Thế nhưng, con đường học vấn không mở ra trước mắt. Năm ấy, Đức trượt đại học… Không nản lòng, cậu lại vùi đầu vào sách vở. Sáng dắt trâu ra đồng, chiều về tranh thủ học bài. Nhưng dù cố gắng đến mấy, Đức vẫn không thể vào được cổng trường đại học. Như một định mệnh, cả 4 lần đi thi Đức đều không đạt kết quả như ý muốn.

Năm 1990, ông Đoàn Nguyên Đức khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác.

Năm 1993, ông thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Đến năm 2006, nó trở thành Công Ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá. Công ty bắt đầu niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2008 với mã HAG.

Tính đến thời điểm tháng 11/2010 tổng vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đạt 22.524,09 tỷ đồng.

Đặng Lê Nguyên Vũ: Không có nổi 2 triệu đồng chữa bệnh cho bố

Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10/02/1971 tại huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1979, gia đình ông chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’drak, tỉnh Đắk Lắk.

Năm 1981, bố ông gặp trọng bệnh, gia cảnh sa sút, hình thành ý chí làm giàu trong ông. Ông tâm sự: “Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh!”.

{keywords}

Đã có thời gian, ông Vũ không thể xoay xỏa đủ 2 triệu đồng để chữa bệnh cho bố

Khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986, Đặng Lê Nguyên Vũ còn là một học sinh phổ thông. Thời đó, người ta nói rằng muốn làm kinh doanh thì cần phải có “ô dù”. Vũ cũng có ô, nhưng tuổi thơ của ông lại là những ngày bẻ ngô, chăm lợn và giúp mẹ đóng gạch.

Tuổi thơ thời đi học của ông là cảnh lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km trong suốt chín năm, ngày nắng cũng như mưa. Niềm vui trên con đường dài đến trường và về nhà là khi đi ngang qua trạm thuế vụ, thỉnh thoảng có được quả chuối chín hoặc vài củ khoai lang ăn sống của những người buôn bán tốt bụng cho.

Ông là một học sinh giỏi. Năm 1990, ông thi đậu trường Đại học Y Tây Nguyên. Mẹ ông đã phải bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà để tôi lên Buôn Ma Thuột nhập học. Vừa đi học, ông vừa đi làm thêm kiếm sống.

Những ngày học ở trường y, lúc nào ông cũng trăn trở về công việc và cuộc sống của người thầy thuốc. Càng học lên, điều đó càng bứt rứt trong lòng ông.

Khi đang học năm thứ ba, ông chợt nhận ra mình không muốn trở thành một bác sĩ. Mẹ ông đã khóc gần như hết nước mắt khi ông quyết định dứt áo ra đi. Nhiều bạn trong lớp bảo ông không bình thường, chỉ có ba người bạn có thể hiểu và chia sẻ được những điều ông nghĩ – đó là không chấp nhận “ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con”. Đám bạn vét hết tiền trong túi nhét cho ông gần 100.000 đồng.

Ông đã bỏ học lên nhà ông chú trên Sài Gòn, rồi bị ông chú ném trả về Đắk Lắk bằng chiếc vé máy bay kèm câu nói “học xong đi đã”. Ngồi trên máy bay, cậu sinh viên họ Đặng có một ước mơ bay cao trên bầu trời, hôm nay, ước mơ ấy đã khác. Đó là giấc mơ về “Mô hình cụm ngành cà phê quốc gia và Mô hình nông thôn tích hợp liên hoàn” tại nhà máy cà phê Trung Nguyên ở Đắk Lắk.

Năm 1996, ông cùng với sự hợp tác ban đầu của 3 người bạn, lập nên "Hãng Cà phê Trung Nguyên", bấy giờ chỉ là một cơ sở rang xay với diện tích vài m2 và chiếc máy rang cà phê thủ công cũ kỹ, một quán cà phê nhỏ ở Buôn Mê Thuột và công việc giao cà phê rang xay cho các quán khác. Ngày ngày, Vũ kỳ cạch giao cafe bằng xe đạp, rồi sau đó mới đổi sang xe máy.

Năm 1998, hãng cà phê của ông Trung Nguyên lần đầu tiên mở quán cà phê ở TP HCM, được nhắc đến như là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh mô hình nhượng quyền thương hiệu và bắt đầu xuất hiện các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên. Với mô hình kinh doanh thành công này, từ năm 2000, thương hiệu Trung Nguyên và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ được nhiều người biết đến.

Đại gia Lê Ân: Tha phương cầu thực, thuê máy may mưu sinh

Ông Lê Ân sinh năm 1938 (Mậu Dần) trong một gia đình đông anh em ở Quảng Nam. Ông là người con thứ 5, có một tuổi thơ nghèo khó, túng thiếu. Biến cố đầu tiên của cuộc đời đại gia Lê Ân xuất hiện khi ông bỏ nhà đào thoát vào thị xã An Lộc, tỉnh Bình Long (nay là Bình Phước) để trốn quân dịch dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Đó là vào năm 1958.

{keywords}

Giờ đây có trong tay khối tài sản khủng nhưng đại gia Lê Ân vẫn không thể quên được những ngày khốn khó

Trốn vào An Lộc, Lê Ân mưu sinh bằng cách mướn một chiếc máy may hiệu Singer đã cũ, loại máy sử dụng bàn đạp bằng chân, rồi đặt trên vỉa hè trước một trại lính.

Thời đó, quần áo lính thường được cấp phát theo kiểu đổ đồng, cái rộng cái chật. Vì thế, cứ mỗi lần lính được cấp quân trang, Lê Ân lại phải may cuống cuồng để kịp có đồ cho khách. Hơn năm sau, Lê Ân đã có đủ tiền mua lại cái máy may đã mướn. Đồng thời, mua thêm 2 cái máy may khác rồi thuê thợ làm thêm cho mình.

Một lần, Lê Ân tiếp vị khách lạ. Khách là đàn ông người Bắc, vào Nam từ năm 1948. Khách bảo "Thấy ông khéo tay, lại cần mẫn làm ăn. Nếu muốn học may áo vest thì tôi sẽ truyền cho". Như người cùng đường gặp lối thoát, Lê Ân nhanh chóng nhận lời và trở thành đệ tử của vị khách lạ ấy.

Sau khi học hết nghề, với một tấm giấy hoãn quân dịch giả mua của một sĩ quan ở An Lộc, Lê Ân gom hết vốn liếng, về Sài Gòn, thuê một căn nhà trên đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) rồi mở một tiệm chuyên may đồ vest với tên gọi Chiến"s Tailor.

Chỉ một thời gian ngắn, Chiến"s Tailor trở thành một trong những tiệm may đồ vest hàng đầu của Sài Gòn.

Có tiền từ Chiến"s Tailor, Lê Ân bắt đầu mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh khác, như thành lập xưởng sản xuất giày dép da hiệu Italy, kinh doanh xe lam, xe buýt chạy tuyến đường Sài Gòn - Bảy Hiền - Bà Chiểu, thành lập công ty kinh doanh địa ốc, mua trái phiếu của người cày có ruộng, công khố phiếu quốc gia…

Ngoài ra, ông còn trúng 5 năm liên tiếp trong việc độc quyền cung cấp thực phẩm, dụng cụ y tế cho toàn vùng 2 chiến thuật của chế độ Sài Gòn.

Nữ đại gia Liễu Hà Tĩnh: Làm quần quật kiếm tiền mua nhà

Theo lời nữ đại gia phố Núi Nguyễn Thị Liễu kể lại thì ngày xưa gia đình bà nghèo lắm. Thấu hiểu cái nghèo từ bé, nên muốn vượt qua cái nghèo. Bố mẹ đều là Việt kiều, bố gốc Lào, còn mẹ gốc Thái. Từ nhỏ, bà đã đam mê kinh doanh và ước mơ giúp bố mẹ thoát khỏi cảnh nghèo.

{keywords}

Bà Liễu cho biết: “Tự kiếm tiền từ năm 11 tuổi. Nửa buổi đi học, nửa buổi đi bán hàng, chắt chiu từng đồng gửi mẹ.

Bà cho biết: “Tôi tự kiếm tiền từ năm 11 tuổi. Nửa buổi đi học, nửa buổi đi bán hàng, chắt chiu từng đồng gửi mẹ. Năm 16 tuổi tôi vào Sài Gòn học cắt may ở một xưởng may của chú. Chỉ nhìn chú cắt quần một lần là tôi làm theo được".

Năm 17 tuổi, bà Liễu trở về quê, mở cửa hàng cắt may và dạy may. Nổi tiếng ở xóm nghèo từ đó, nhưng máu đi buôn lại trỗi dậy, 25 tuổi bà bắt đầu sang Lào mua hàng về bán.

Năm 1995, có chút vốn và có tiếng làm quen, bà sang Thái Lan cùng bạn bè kinh doanh bất động sản. “Chúng tôi xây nhà liền kề ở Thái Lan bán, có lời, chúng tôi mở rộng thị trường sang Malaysia, Singapore, đầu tư vào xây dựng công trình, khách sạn”.

Ở các nước Áo, Đức, Tiệp hồi đó nhận thấy kinh doanh quần áo Trung Quốc rất tốt nên bà quyết định nhập quần áo Trung Quốc bán vào thị trường này. Bà mua các đồ điện, máy móc đã qua sử dụng bán sang Thái Lan và xuất khẩu gạo từ Thái Lan sang Nigieria.

Bà tâm sự: “Thời gian tôi sống ở Thái Lan còn nhiều hơn ở Việt Nam. Đi lại nhiều giữa các nước, bị thay đổi đồng hồ sinh học nhiều, khiến giờ tôi bị chứng mất ngủ. Tôi cũng có kinh doanh ở Việt Nam nhưng không nhiều, chủ yếu ở bất động sản nhưng tôi đã bán hết và rút khỏi thị trường này trước khi nó xuống đáy”.

Và sau khi gây “choáng” cho dư luận bằng việc quyết định dỡ bỏ căn nhà gần 200 tỷ để xây một căn mới, bà mới tâm sự rằng: “Trước đây, để thực hiện mơ ước xây nhà, tôi đi làm từ 5h sáng đến 8h tối, đi 20km chỉ để kiếm được 100.000 đồng”,

(Theo VTC News)