
Chùm ruột là loại cây mọc hoang phổ biến ở các tỉnh miền Nam như Long An, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang,…
Cây có thể cao đến 10m, tán lá rộng và hoa màu hồng rất đẹp. Trái mọc thành từng chùm dày, 6 múi, vỏ từ màu xanh non đến ngả vàng nhạt, hình dáng khá giống quả bí rợ (bí đỏ) nhưng kích thước nhỏ hơn rất nhiều, cỡ bằng ngón tay cái người lớn.
![]() |
![]() |
Chị Thanh Mai (ở Tân Châu, An Giang) cho biết, chùm ruột ra hoa từ tháng 12 đến tháng 5 và mùa quả chín bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8.
Thời điểm ấy, người dân địa phương thường ra vườn, ven bờ ao, kênh rạch để thu hái quả chùm ruột, mang về bán hoặc chế biến món ăn.
“Trước đây, quả chùm ruột rất ít người ăn, mọc đầy trên cây cũng chẳng ai hái. Nhưng giờ người ta biết đến chùm ruột nhiều hơn, nhu cầu thưởng thức phong phú, nhờ đó loại quả này rất được yêu thích”, chị Mai nói.

Quả chùm ruột có 2 loại, 1 loại vị chua và 1 loại vị ngọt. Với chùm ruột chua, bà con thường chấm với muối ớt hoặc đập dập, xóc cùng gia vị như trái cà na.
Ngoài ra, người ta còn dầm nát quả chùm ruột để làm nước mắm chua cay, ăn với cá nướng, tép luộc. Kỳ công hơn, chùm ruột chín vàng còn được đem giã hoặc đâm nhỏ lấy nước, pha thêm đường thành món đồ uống giải nhiệt, giải khát trong ngày hè.
Bên cạnh đó, chùm ruột cũng được sử dụng để kho cá. Vị chua thanh của loại quả này giúp cá giảm độ tanh và tạo cho món ăn có hương vị lạ miệng, hấp dẫn.
![]() |
![]() |
![]() |

Một trong những món ăn phổ biến và được ưa chuộng nhất từ quả chùm ruột mà không thể không nhắc đến. Đó là mứt.
Mứt chùm ruột đỏ ửng, ngọt đậm đà, cả trẻ con và người già đều mê. Chị Mai cho hay, chùm ruột chua hay ngọt đều có thể làm mứt.
Người ta thường lựa các trái già, to mọng đều nhau, lăn sơ trên thớt cho dập ruột, chảy bớt nước chua, sau đó đem chùm ruột rửa lại với nước, vớt ra để ráo.
Tiếp đến là công đoạn ướp chùm ruột với đường theo tỉ lệ 1kg quả/700g đường, chờ 2-3 tiếng hoặc để qua đêm cho quả ngấm đều thì đem sên.

“Tùy từng nhà, sở thích từng người mà món mứt chùm ruột có thể sên bằng đường mía, đường phèn hay đường ăn kiêng. Bà con địa phương chủ yếu dùng loại đường vàng tự nhiên để món mứt thành phẩm có màu đẹp mắt.
Người ta cũng ướp chùm ruột luôn trong chiếc chảo dùng để sên mứt”, chị chia sẻ.
Chùm ruột ướp đường đủ thời gian thì đem sên với lửa to, đảo đều tay đến khi đường tan hết thì chuyển sang mức lửa nhỏ để hỗn hợp sôi liu riu. Khi thấy đường keo lại, chùm ruột ngả màu đỏ thẫm là được.
“Sau 30 phút sên, người ta có thể cho thêm chút nước cốt chanh và muối. Muối giúp trung hòa vị ngọt của đường, còn nước chanh tạo vị chua dịu, làm món mứt ngon và thơm hơn”, chị Mai nói thêm.
Tùy số lượng quả chùm ruột mà thời gian sên mứt có thể kéo dài từ 45-60 phút.

Chị Võ Thu Hà (hiện sống ở TPHCM) cho biết, mỗi lần về quê nhà ở Cần Thơ vào dịp lễ 30/4 – 1/5, chị đều tranh thủ ra vườn hái chùm ruột để mang lên thành phố.
“Bạn bè, đồng nghiệp của tôi ban đầu không mấy ai biết quả chùm ruột nhưng sau vài lần ăn thử món mứt từ loại quả này, họ thấy thích.
Mỗi lần nhờ, ai nấy đều dặn tôi mua giúp mỗi người vài ba cân. Có chuyến, tôi cần vận chuyển gần nửa tạ chùm ruột từ quê lên phố, dân hái không kịp bán”, chị Hà kể.
Người phụ nữ này tiết lộ, quả chùm ruột nấu canh hoặc kho cá đều ngon. Còn nếu làm mứt, cất ngăn mát thì bảo quản được lâu hơn. Đây là món ăn vặt lạ miệng, có vị chua dịu, hòa với vị ngọt của đường, thưởng thức cùng trà rất hợp.

Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), quả chùm ruột vị chua ngọt, tính mát, có thể ăn ngay hoặc đem chế biến, giúp làm mát cơ thể, giải nhiệt, hỗ trợ chữa chứng nhức đầu.
Không chỉ được sử dụng làm thức ăn, quả chùm ruột còn chứa nhiều vitamin C, gluxit, axit axetic. Tuy nhiên, những người mắc bệnh gout và sỏi thận không nên ăn chùm ruột vì loại quả này chứa nhiều axit oxalic.
