Tiền mặt được sử dụng phổ biến ở Việt Nam vì có thể dùng để thanh toán ở khắp mọi nơi. Trong tương lai, việc triển khai hình thức thanh toán qua mã QR tại các chợ, cửa hàng tạp hóa sẽ khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại hội thảo - triển lãm Banking Vietnam với chủ đề eBanking vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhiều ý kiến đã được các chuyên gia chia sẻ nhằm thúc đẩy thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Một trong những giải pháp được nhiều người nhắc đến là việc sử dụng công nghệ QR Code để phổ biến hình thức thanh toán phi tiền mặt.
QR Code sẽ thay đổi thói quen dùng tiền mặt tại Việt Nam
QR Code, viết tắt của Quick response code (tạm dịch "Mã phản hồi nhanh" hay mã QR) là một mã vạch hai chiều, dùng để mã hóa một dạng thông tin nào đó. Một mã QR có thể chứa địa chỉ web, thời gian diễn ra một sự kiện, thông tin liên hệ, địa chỉ email, tin nhắn SMS, nội dung ký tự văn bản hay thậm chí là thông tin định vị vị trí. Tùy thuộc thiết bị đọc mã QR mà khi quét, nó sẽ dẫn tới một trang web, gọi đến một số điện thoại hay xem một tin nhắn...
Cách hoạt động của các giao dịch thanh toán thực hiện bằng QR Code. |
QR Code được sử dụng khá phổ biến trên thế giới từ nhiều năm qua và được ứng dụng nhiều nhất trong việc nhận diện thương hiệu hoặc danh tính cá nhân. Hầu hết những nhãn mác thông tin dài dòng, tốn kém chi phí in ấn đều có thể được thay thế bằng QR code. Vài năm trở lại đây, QR code thậm chí còn trở thành một phương tiện thanh toán đã và đang được triển khai rộng rãi trên khắp thế giới.
Hiện ở Việt nam đã có 17 ứng dụng mobile banking của các ngân hàng có tính năng thanh toan QR Pay và sử dụng chuẩn QR được EMVCo công nhận vào năm 2017, trong số đó có các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Viettinbank, Agribank...
Theo ông Trần Trí Mạnh, Chủ tịch HĐQT công ty CP giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY), ưu điểm của QR code hay mã QR là khả năng triển khai trên diện rộng trong một thời gian nhanh chóng.
Lấy ví dụ về điều này, ông Mạnh cho biết với hình thức thanh toán thẻ, các điểm giao dịch bắt buộc phải có một máy POS (Point of Sale). Đây là loại máy hay được lắp ở các cửa hàng, siêu thị để người dùng thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ. Dù đã khá phổ biến và có chỗ đứng nhất định, tuy nhiên việc triển khai hình thức thanh toán này không thể phủ hết được thị trường bán lẻ Việt Nam.
Máy POS dùng để thanh toán bằng cách quẹt thẻ. |
Tiền mặt là phương thức thanh toán được sử dụng phổ biến ở Việt Nam vì sự tiện lợi, có thể dùng nó để thanh toán ở khắp mọi nơi. Theo vị Chủ tịch HĐQT VNPAY, với quy mô kinh doanh hộ gia đình như ở Việt Nam, người ta không thể mang thẻ ngân hàng đi mua rau hay thanh toán tiền mua một bát bún.
“Chi phí trang bị máy POS cho các hộ kinh doanh này là quá lớn, trong khi số tiền thu về thường manh mún, nhỏ lẻ. Một khi hình thức kinh doanh này vẫn còn, người dân vẫn sẽ tiếp tục sử dụng tiền mặt”, ông Mạnh nói.
Chỉ cần gắn một mảnh giấy có in mã QR chứa thông tin tài khoản ngân hàng, các tiểu thương sẽ có thể áp dụng phương thức thanh toán mà không cần dùng đến tiền mặt. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo ông Đào Minh Tuấn - Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, với việc phát triển mô hình thanh toán qua mã QR, các chủ cửa hàng chỉ cần đặt một mảnh giấy có in hình mã QR mà không cần phải mua những chiếc máy POS với chi phí đắt đỏ.
Đây cũng là lý do để thúc đẩy việc thanh toán bằng mã QR cho giới tiểu thương, tại các chợ và cửa hàng tạp hoá. Điều này là để tạo thói quen chi tiêu sử dụng thẻ cho người tiêu dùng, ông Tuấn nói.
Việt Nam sẽ chuẩn hoá mã QR dùng cho hệ thống thanh toán
Việc triển khai hình thức thanh toán thông qua mã QR sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán phi tiếp xúc tại Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai công nghệ này hiện vẫn còn một số rào cản nhất định.
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Phó TGĐ phụ trách Nghiên cứu và Phát triển của Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), hiện Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn chung về thanh toán qua QR Code.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó TGĐ NAPAS cho biết, Việt Nam sẽ sớm ban hành bộ tiêu chuẩn chung về thanh toán qua mã QR. Ảnh: Trọng Đạt |
Việc triển khai hình thức thanh toán này được thực hiện riêng rẽ bởi các đơn vị, mô hình xử lý giao dịch và quy trình nghiệp vụ không có sự đồng nhất. Điều này gây ra sự thiếu hiệu quả cho việc phát triển thanh toán qua hình thức QR chung của toàn thị trường.
Để xử lý vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam”. Bản tiêu chuẩn này tuân theo tiêu chuẩn EMVCo của các tổ chức quốc tế. Theo vị Phó TGĐ NAPAS, tiêu chuẩn cơ sở này đã được hoàn thành và dự kiến sẽ được ban hành vào Quý III/2018.
Một chiếc máy bán hàng chấp nhận phương thức thanh toán qua mã QR. Hiện những chiếc máy bán hàng như thế này đã được triển khai quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Trọng Đạt |
Theo ông Nguyễn Quang Minh, trong thời gian tới, NAPAS sẽ xây dựng, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho phương thức thanh toán bằng mã QR và các quy trình nghiệp vụ liên quan, phục vụ cho việc liên thông thanh toán.
Với vai trò là đơn vị chuyển mạch quốc gia, NAPAS sẽ phối hợp với các bên để triển khai liên thông thanh toán bằng mã QR giữa các ngân hàng, các trung gian thanh toán. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng sẽ nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ QR Code trong phát triển hệ sinh thái thanh toán QR Code tại Việt Nam.
Trọng Đạt
Viettel gia nhập thị trường thanh toán phi tiền mặt Việt Nam
ViettelPay cũng cung cấp dịch vụ chuyển tiền mặt đến tận nhà trong vòng 2 giờ hoặc tại hơn 100.000 điểm cung cấp dịch vụ, ở tất cả các quận/huyện, phường/xã trên toàn quốc.
Vietnam Airlines hợp tác VNPAY thanh toán mua vé bằng QR CODE
“Cái bắt tay” giữa Vietnam Airlines và VNPAY là dấu mốc đánh dấu nỗ lực của ngành hàng không trong việc ứng dụng công nghệ QR Code, cho phép khách hàng thanh toán vé máy bay theo phương thức hoàn toàn mới.
Xu hướng tương lai: Thanh toán không dùng tiền mặt
Khi thương mại điện tử trở thành xu hướng mua sắm mới thì thanh toán di động (TTDĐ), thanh toán trực tuyến (TTTT) cũng lên ngôi.
Thanh toán qua di động sẽ bùng nổ tại Việt Nam?
Với tỷ lệ sở hữu điện thoại di động lên đến 72% và ngày càng gia tăng, thanh toán di động được dự đoán sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong tương lai