Đầu tháng 5/2024, qua tin báo của Tổ Thương mại điện tử (TMĐT) Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị, sau khi đã thu thập đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh đã tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh LTTH, địa chỉ tại phường 5, thành phố Đông Hà.
Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh đã sử dụng trang web giới thiệu và đặt hàng trực tuyến để phục vụ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên website TMĐT bán hàng này chưa thực hiện nghĩa vụ thông báo với Bộ Công Thương theo quy định.
Sau khi phối hợp với Cục Thương mại - Điện tử kinh tế số để củng cố hồ sơ, Đội trưởng Đội QLTT số 1 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh LTTH với số tiền 15 triệu đồng về hành vi không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng.
Cùng với việc xử lý vi phạm hành chính, Đội đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong TMĐT và vận động hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện đúng theo quy định của pháp luật để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo niềm tin và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững.
Tính riêng trong tháng 5/2024, Cục QLTT tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 hộ kinh doanh vi phạm trong hoạt động TMĐT với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp trên 200 triệu đồng; đang trong quá trình xác minh xử lý 01 hộ kinh doanh sử dụng mạng internet để kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ có trị giá trên 50 triệu đồng.
Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật
Tại Quảng Trị, hoạt động TMĐT diễn ra khá phổ biến đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó tình trạng lợi dụng hoạt động TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, dù quy mô kinh doanh không lớn.
Trước tình hình đó, từ năm 2022 Cục QLTT tỉnh đã thành lập Tổ TMĐT để tham mưu cho lãnh đạo Cục về xử lý vi phạm trong hoạt động TMĐT trên địa bàn toàn tỉnh.
Tổ TMĐT có nhiệm vụ thường xuyên rà soát, tiếp cận các tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán hàng hóa qua mạng internet, các website TMĐT, các tài khoản mạng xã hội để kịp thời phát hiện, đề xuất kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Nhóm mặt hàng thường xuyên vi phạm trên môi trường internet là: áo quần, mỹ phẩm, giày dép, túi xách, thực phẩm chức năng…
Năm 2023 trong hoạt động TMĐT, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị đã xử lý 22 vụ; xử phạt vi phạm hành chính và buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá gần 250 triệu đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2024 Cục đã xử lý 23 vụ; xử phạt và tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá gần 500 triệu đồng.
Các hành vi mà các đối tượng thường vi phạm bao gồm: không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi bán hàng; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên môi trường internet; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Cục thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Bộ Công Thương cũng như các cơ quan ban ngành trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả công tác; Ký quy chế phối hợp với các đơn vị bưu chính trong việc cung cấp thông tin về giao dịch mua, bán hàng hóa vi phạm.
Cục QLTT tỉnh cũng đã chú trọng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho công chức về lĩnh vực TMĐT nhằm nâng cao kỹ năng, bản lĩnh, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Bên cạnh hoạt động kiểm tra, các Đội QLTT cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về TMĐT cho các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động TMĐT. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Xác định việc phòng, chống các hành vi vi phạm trong TMĐT và các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng QLTT, Cục đang đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT trên địa bàn. Từ đó góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển TMĐT lành mạnh, bền vững.