"Với vai trò là cơ quan của Quốc hội phụ trách lĩnh vực trẻ em, trong thời gian tới Ủy ban sẽ đề xuất với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát ở mức độ cao nhất đối với nội dung này"
Liên tiếp trong mấy ngày qua, các vụ xâm hại tình dục trẻ em đang rất nóng: Chủ tịch nước yêu cầu xử lý dứt điểm vụ xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu, VTV lên tiếng vụ ở Hoàng Mai, các báo đồng loạt đưa tin vụ học sinh lớp 1 bị xâm hại tại trường ở Thủ Đức, TP. HCM... đồng thời nhiều vụ việc từ trước đây được cho là chưa giải quyết rốt ráo khiến dư luận bức xúc.
Phóng viên Tuần Việt Nam vừa trao đổi với bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội.
Những vụ xâm hại trẻ em đang gây ra sự công phẫn lớn trong dư luận, là cơ quan chuyên trách về trẻ em, ý kiến của bà về việc này?
Trong những năm gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội. Trong những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đưa thông tin về các vụ xâm hại tình dục trẻ em cho thấy tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em đã đến mức nghiêm trọng, sự vô cảm, mất nhân tính của tội phạm, thực sự báo động về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân cư. Nguy cơ bị xâm hại tình dục có thể xảy ra đối với bất kỳ trẻ em ở độ tuổi nào và không phân biệt giới tính, diễn ra từ thành thị đến nông thôn và trẻ em có thể bị xâm hại tình dục ngay dưới mái trường, trong ngôi nhà của chính mình.
Là người công tác và phụ trách lĩnh vực trẻ em nhiều năm, bản thân tôi rất đau lòng khi nghe thông tin về những vụ việc này. Tôi đã từng trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với các em là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục trẻ em, những tổn thương về tinh thần, sang chấn tâm lý, ám ảnh với đứa trẻ có thể còn kéo dài rất lâu sau sự việc và ảnh hưởng đến tinh thần, đến việc hình thành và phát triển nhân cách của đứa trẻ.
Đây thực sự là vấn đề cấp thiết, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, nhiều bộ ngành trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em: Quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, nhân phẩm, danh dự của các em. Sự phối kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc tăng cường phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em, bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ.
Các hành vi xâm hại tình dục trẻ em đều đáng lên án và bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Vụ án xâm hại trẻ em tại Hoàng Mai, Hà Nội vừa được khởi tố |
Hiện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có những động thái gì với những vấn đề trước mắt và lâu dài để bảo vệ trẻ em?
Ngày 05/4/2016 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/6/2017, đây là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền trẻ em, Luật trẻ em quy định nghiêm cấm hành vi xâm hại tình dục trẻ em (Điều 6), quyền của trẻ em được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục (Điều 25) và các biện pháp can thiệp, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em bị xâm hại tình dục.
Với vai trò là cơ quan của Quốc hội phụ trách lĩnh vực trẻ em, trong những năm qua, Ủy ban đã tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề của Ủy ban về việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và đã có những kiến nghị đối với Quốc hội, các bộ ngành hữu quan trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật đối với trẻ em. Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát ở mức độ cao nhất đối với nội dung này.
Trước mắt, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ sẽ tổ chức Phiên giải trình của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em với mục đích đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và làm rõ vai trò, trách nhiệm của của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong việc thực hiện quyền trẻ em, trong công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Trong thông cáo ra ngày 12/3/2017 của Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới VN (GBVnet) nêu “Trong những năm gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, từ năm 2010 đến năm 2013, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ lên đến 1544 vụ vào năm 2014. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 em bị xâm hại tình dục, hay cứ 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một đứa trẻ bị xâm hại tình dục. Nạn nhân thậm chí bị giết chết để bịt đầu mối hoặc bị đe doạ để không dám tố cáo” Vì đâu có tình trạng nghiêm trọng như thế này? Sắp tới chúng ta cần làm gì để giải quyết, thưa bà?
Tình trạng số lượng các vụ xâm hại tình dục trẻ em tăng dần qua các năm do các nguyên nhân sau:
- Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em còn nhiều yếu kém: Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và một số bộ ngành hữu quan tuy đã được quan tâm hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thực hiện phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em còn thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả; một số cơ quan có trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung, công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình nhưng Chính phủ chưa có cơ chế quản lý hữu hiệu.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em chưa hiệu quả. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em hiện tại còn hạn chế. Việc xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em còn nhiều bất cập và chưa đồng bộ. Thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ngân sách Nhà nước dành cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu (ở cả cấp trung ương và địa phương).
* Nhiều nguyên nhân khiến nạn xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng Mặt trái của kinh tế thị trường và tiến trình hội nhập đã dẫn đến sự phân tầng xã hội và sự phân hóa giàu nghèo nhanh chóng. Một bộ phận không nhỏ dân cư gặp nhiều khó khăn trong đời sống đã phát sinh tiêu cực; nhiều gia đình chưa nhận thức được trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nên việc phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em bị coi nhẹ. Mặt khác, ảnh hưởng của nền văn hóa truyền thống Á Đông, làm hạn chế nhận thức của nhiều gia đình và cộng đồng dân cư đối với các nguy cơ về tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả của công tác này. Bên cạnh đó, sự phát triển khá nhanh các khu đô thị, khu chế xuất dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ dân số về cơ học, ảnh hưởng đến quy hoạch cơ sở hạ tầng, trong đó có việc quy hoạch cơ sở giáo dục, y tế, cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em cũng như các thiết chế vui chơi, giải trí nhằm tạo môi trường an toàn cho trẻ em, làm gia tăng các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Cùng với tiến bộ của công nghệ thông tin là sự du nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại, những trang web đen, game online, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm thâm nhập vào nước ta và sự tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống của một bộ phận người lớn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách trẻ em, làm gia tăng tội phạm, trong đó có tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Do nhận thức và hiểu biết chưa toàn diện, cùng với đặc tính “phụ thuộc” cố hữu khiến cho trẻ em khó tự bảo vệ mình, dễ bị bạo lực, xâm hại hơn các đối tượng khác. Bên cạnh đó, sự biến đổi về tâm sinh lý lứa tuổi khiến cho một bộ phận trẻ em dễ bị tác động bởi hoàn cảnh, dễ bị kích động và thích thể hiện, dẫn đến tình trạng chính các em là chủ thể của các hành vi bạo lực, xâm hại. Nhận thức về vai trò, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng của một số cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quần chúng từ Trung ương đến địa phương chưa đầy đủ, sâu sắc. Do đó, từ công tác chỉ đạo, điều hành đến tổ chức, thực hiện đều chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Các ngành hữu quan chưa tham mưu kịp thời với Chính phủ để có cơ chế tài chính đặc thù cho công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; chưa tham mưu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để bố trí và phối hợp bố trí, đào tạo, tập huấn, sử dụng cán bộ làm công tác trẻ em ở các cấp chính quyền, các nhà trường, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội…và tại cộng đồng dân cư. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát về công tác bảo vệ trẻ em của một số cơ quan Nhà nước và các cấp chính quyền chưa thường xuyên; sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, nhất là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong hoạt động giám sát, phản biện chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa liên tục và quyết liệt; chưa kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền về các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhóm trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại. Việc thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền và của người dân ở nhiều địa phương chưa nghiêm; hình thức xử lý vi phạm đối với người thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ và những người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em chưa kịp thời và chưa có tác dụng giáo dục, răn đe, dẫn đến biểu hiện coi thường pháp luật trong công tác bảo vệ trẻ em. Về phía gia đình, còn nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thay thế và chính bản thân trẻ em còn thiếu kiến thức pháp luật cơ bản về quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ của trẻ em, dẫn đến tình trạng bố mẹ sao nhãng, bỏ mặc con cái. Các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc bố mẹ ly hôn, ly thân, bố mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật đang là nguyên nhân nảy sinh các hành vi bạo lực, xâm hại, nhất là xâm hại tình dục đối với trẻ em... Không ít gia đình do bố mẹ, người lớn sống thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm với con cái cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình. Mặt khác, đa số những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và gia đình các em này đều có tâm lý mặc cảm, tự ti, lo sợ bị trả thù nên không dám tố cáo kẻ gây hại và che dấu hoàn cảnh bị tổn thương của trẻ em, dẫn đến tình trạng bỏ sót tội phạm và nạn nhân chậm được chăm sóc, hỗ trợ. |
(Còn nữa)
Hoàng Hường (thực hiện)