Tôi rất thích sử dụng hạt sen để chế biến món ăn vì thơm ngon và bổ dưỡng. Gần đây, tôi cũng nghe nhiều người nói rằng hạt sen còn giúp phòng ngừa bệnh ung thư. Xin bác sĩ tư vấn thêm về tác dụng và cách dùng loại hạt này (Minh Anh, TP.HCM).

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, tư vấn:

Hạt sen rất giàu dinh dưỡng. Trong 100g hạt sen khô có chứa 332kcal (hạt tươi chứa 89 kcal); 64,47g carbohydrat; 15,41g chất đạm; 1,97g chất béo; không cholesterol; 104µg folate; 1,6mg niacin; 0,851mg acid pantothenic...

Hạt sen còn chứa các hợp chất có đặc tính chống oxy hóa như flavonoid, glycoside, hợp chất phenolic và alkaloid. Theo Đông y, hạt sen vị ngọt chát, tính bình, quy vào kinh thận, tỳ và tâm, giúp chữa suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, cơ thể yếu, mất ngủ, ăn kém…

Các tác dụng nổi tiếng của hạt sen gồm: Giúp ngủ ngon, thư giãn, giảm căng thẳng; tốt cho tim mạch; giúp hạ đường huyết; hỗ trợ tiêu hoá; tốt cho phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi; cải thiện sức khỏe tình dục; giảm cân; tăng cường miễn dịch; chống lão hoá; chống viêm, giảm đau...

hat-sen-pixa-1.jpg
Hạt sen được dùng như một vị thuốc giúp giảm căng thẳng và ngủ ngon. Ảnh: Pixabay.

Đáng chú ý, hạt sen còn có công dụng phòng chống ung thư. Hạt sen tươi chứa vitamin C và các hợp chất có hoạt tính chống oxy hoá, giúp tăng cường khả năng miễn dịch, loại bỏ các gốc tự do oxy có hại trong cơ thể. Từ đó, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư.

Bên cạnh đó, hạt sen rất giàu flavonoid, alkaloid, saponin, tanin và terpenoid. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các alkaloid có trong hạt sen có tác dụng an thần, chống co giật, chống trầm cảm và bảo vệ hệ thần kinh. Người ta thường dùng hạt sen trong các loại trà thảo dược.

Ngoài ra, tâm sen cũng có tác dụng cải thiện giấc ngủ nhờ vào thành phần glucozit, vitamin B, vitamin C và chất kiềm, giúp an thần, dễ ngủ, cải thiện tình trạng đau đầu hay đau nửa đầu.

Tuy nhiên, khi sử dụng hạt sen, người dùng cần lưu ý:

- Liều lượng hạt sen tuỳ thuộc vào vấn đề sức khoẻ, tuổi tác của từng người.

- Trẻ nhỏ không nên ăn quá nhiều hạt sen do hệ tiêu hoá còn yếu. Trẻ cũng có nguy cơ bị dị ứng gây khó thở, ngứa, nôn, tiêu chảy khi ăn hạt sen.

- Không nên trộn lẫn hạt sen vào cháo dễ khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu, biếng ăn.

- Hạt sen có đặc tính chống tiêu chảy nên dùng nhiều có thể dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, táo bón.

- Người bị bệnh gout hoặc từng bị sỏi thận, nên ăn hạt sen vừa phải và uống đủ nước.

- Người mắc bệnh tim khi dùng hạt sen phải bỏ tâm sen hoặc dùng với lượng vừa phải, nên sao tâm sen đến ngả vàng trước khi dùng.

- Người bệnh tiểu đường, huyết áp đang dùng thuốc cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa hạt sen vào chế độ ăn.