Tôi thường nghe nhiều người nói rằng sinh con "bọc điều" nghĩa là em bé chào đời vẫn còn nằm nguyên trong túi ối thì sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc sống sau này. Tình huống này có thường xảy ra không và có gì nguy hiểm không? (Lê Liên, Hà Nội)
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 2, tư vấn:
Đón em bé sinh "bọc điều" là trải nghiệm thú vị và hiếm gặp. “Sinh bọc điều” là cách dân gian gọi tình trạng em bé chào đời còn nguyên trong bọc ối. Quan niệm xưa nay cho rằng trẻ sinh ra theo cách đặc biệt này sẽ luôn được chở che, bảo vệ và gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống. Còn với các bác sĩ, đây là niềm vui trong đời hành nghề.
Gần một tháng trước, tôi vừa mổ bắt con cho một sản phụ mang song thai. Bé đầu tiên ra đời bình thường, bé thứ hai nằm trọn trong bọc ối. Qua lớp màng ối trong suốt, ê-kíp có thể quan sát rõ em bé. Chúng tôi rất cẩn thận, từ tốn để đưa con ra ngoài, sau đó mới rạch vỡ bọc ối.
Hiện tượng này rất phổ biến trong quá trình sinh sản tự nhiên của các loài động vật. Với con người, các cuộc sinh đa phần ối vỡ, nước ối bôi trơn đường âm đạo và em bé chui ra. Trường hợp đẻ mổ, ối cũng vỡ trong quá trình bác sĩ thao tác.
"Bọc điều" gặp chủ yếu trong các ca sinh mổ. Trẻ chào đời và vẫn được bảo vệ bằng nước ối, màng bọc, dây rốn, mạch máu nuôi dưỡng giống như khi nằm trong bụng mẹ, gần như an toàn tuyệt đối. Khi đưa bé ra, bác sĩ làm vỡ ối một cách chủ động.
Trẻ sinh "bọc điều" không gặp nguy hiểm và cũng không thể lựa chọn. Tình huống này rất hy hữu và mang lại niềm vui cho bác sĩ cũng như gia đình sản phụ. Sau nhiều năm làm nghề, tôi đón được khoảng 5 bé sinh bọc điều, chủ yếu là song thai. Trong số đó, có một ca duy nhất sinh thường, còn lại là sinh mổ.