Trong 100 bệnh nhân nam hơn 50 tuổi đến bệnh viện khám, có 15 trường hợp nghi ngờ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Đây là con số được đưa ra qua cuộc khám sàng lọc tại BV Hữu Nghị (Hà Nội).
Cha tôi năm nay 98 tuổi, bị u tuyến tiền liệt, bí tiểu và tiểu đêm nhiều. Bác sĩ ở tỉnh tư vấn phẫu thuật mở bàng quang qua da nhưng ông cụ sợ phải đeo túi nước tiểu sau đó, bất tiện khi chăm sóc. Tôi cũng lo ông không đủ sức để mổ. Hiện gia đình rất băn khoăn, mong được bác sĩ tư vấn. (Minh Lan, Lâm Đồng).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Bá Hiệp, Trưởng khoa Ngoại niệu, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) tư vấn:
U tuyến tiền liệt thường xuất hiện ở nam giới trên 60 tuổi. Người bệnh có thể uống thuốc để làm chậm sự phát triển của bướu. Nếu không đáp ứng với thuốc, người bệnh phải phẫu thuật.
Triệu chứng thường gặp là tiểu đêm nhiều, trước khi đi tiểu phải khởi động và rặn. Trường hợp nặng hơn, người bệnh bí tiểu và tiểu khó. Người bệnh mệt mỏi vì mất ngủ do tiểu đêm nhiều, nguy cơ gây thoát vị đệm hoặc trĩ, thậm chí có thể sai lệch vị trí của niệu quản gây thận ứ nước dẫn đến suy thận.
Trước đây, bệnh nhân lớn tuổi mắc u tuyến tiền liệt thường sẽ được áp dụng phương pháp mở bàng quang qua da, khiến họ mặc cảm và phải thêm người chăm sóc.
Vừa qua, chúng tôi đã phẫu thuật cho một ông cụ 98 tuổi u tuyến tiền liệt, tương tự như cha của bạn. Bệnh nhân không thể mổ hở vì sức khỏe không đủ, có bệnh nền kèm theo. Bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật mổ laser bóc toàn bộ bướu, sau đó hút ra ngoài. Hai ngày sau mổ, ông cụ có thể sinh hoạt bình thường.
Kỹ thuật này đã áp dụng cho khoảng 1.600 trường hợp, ưu điểm là bệnh nhân không bị hội chứng nội soi, có thể sinh hoạt bình thường vài ngày sau mổ. Tuy nhiên, để có chỉ định chính xác và phù hợp, bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, đánh giá trực tiếp.
Trong 100 bệnh nhân nam hơn 50 tuổi đến bệnh viện khám, có 15 trường hợp nghi ngờ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Đây là con số được đưa ra qua cuộc khám sàng lọc tại BV Hữu Nghị (Hà Nội).