Trong đó, thương hiệu PVI của Công ty Cổ phần PVI được xếp vào nhóm thương hiệu dẫn đầu ở lĩnh vực Dịch vụ tài chính. Giá trị thương hiệu được ước tính là 40,9 triệu USD.
Thương hiệu Đạm Phú Mỹ của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo) đứng trong top thương hiệu dẫn đầu ở lĩnh vực Sản phẩm nông nghiệp, giá trị thương hiệu ước tính 21,4 triệu USD.
Thương hiệu PVOIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam với giá trị thương hiệu ước tính 14,6 triệu USD, vào top 3 thương hiệu dẫn đầu ở lĩnh vực Bán lẻ.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp Forbes Việt Nam thực hiện xếp hạng những thương hiệu giá trị nhất với sự phân chia theo lĩnh vực. Đặc biệt, thương hiệu PVI 5 năm đều có mặt trong danh sách và đây là năm thứ 3 liên tiếp giá trị thương hiệu PVI được định giá tăng. Trước đó, Công ty Cổ phần PVI - công ty mẹ của Bảo hiểm PVI - cũng được Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2020.
Forbes Việt Nam là ấn phẩm nhượng quyền của Forbes, tạp chí kinh doanh hàng đầu thế giới. Danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu 2020 được Forbes Việt Nam công bố trong ấn phẩm tạp chí số 87, phát hành cho tháng 8/2020. Tổng giá trị thương hiệu của danh sách 2020 đạt hơn 12,6 tỉ USD, tăng 22% so với danh sách lần thứ tư.
Danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu năm 2020 được xếp theo từng ngành. Phần lớn có bề dày hoạt động trên 10 năm, thời gian đủ dài để các công ty khẳng định tên tuổi. Đánh giá của Forbes Việt Nam đối với các công ty lọt vào danh sách này dựa trên các tiêu chí khách quan, bao gồm sự phát triển, tốc độ tăng trưởng và sự bền vững, minh bạch của doanh nghiệp.
Danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam được Forbes Việt Nam thực hiện theo phương pháp đánh giá của Forbes (Mỹ), tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.
Sau khi lập danh sách sơ bộ hơn 100 công ty có thương hiệu mạnh, sản phẩm có độ phủ và mức độ nhận biết cao với người tiêu dùng, Forbes Việt Nam tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình. Việc tính toán dựa trên báo cáo tài chính của các công ty.
Thu nhập thương hiệu mang lại cho doanh nghiệp được xác định từ giá trị đóng góp của tài sản vô hình sau khi đã áp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân bổ tùy theo mức độ đóng góp của thương hiệu trong từng ngành. Giá trị thương hiệu chung cuộc được xác định dựa trên chỉ số P/E (hệ số giữa thị giá và thu nhập trên mỗi cổ phần) trung bình ngành trong khu vực. Với các công ty chưa niêm yết, được so sánh với công ty cùng ngành, cùng quy mô đã niêm yết để xác định giá trị thương hiệu.
D. An