Chiều nay 25/12, phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, lãnh đạo Quốc hội hoan nghênh sáng kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch và tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa này, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ ra một số nội dung trọng tâm, trong đó cần có sự đánh giá toàn diện, sâu sắc tác động đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành Du lịch, đánh giá thực trạng và xu thế phát triển du lịch, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, làm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới. 

“Hội thảo cần thảo luận sâu, tìm ra các giải pháp thúc đẩy tính lan tỏa, liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu.

{keywords}
Ông Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội

Ông Mẫn chỉ ra, hội thảo càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại Nghệ An, vùng đất "địa linh nhân kiệt", quê hương của Bác Hồ kính yêu; là nơi có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, lễ hội truyền thống đặc sắc, gắn với đời sống văn hóa, tâm linh phong phú.

Cùng với những nét tính cách đặc sắc của người xứ Nghệ với lối sống mộc mạc, ân tình; tấm lòng sâu lắng, thủy chung; khí chất cương trực, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn; đức tính cần cù, luôn tìm cái mới mà không quên cội nguồn, đó là những tài sản, tiềm năng, lợi thế vô cùng quý giá giúp cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch của Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý chia sẻ, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, du lịch được tỉnh Nghệ An xác định là ngành kinh tế có nhiều thế mạnh và được ưu tiên tập trung đầu tư, hướng tới trở thành “Trung tâm du lịch vùng Bắc Trung Bộ”.

Những năm gần đây, ngoại trừ thời gian bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, ngành Du lịch Nghệ An đã có những bước phát triển đúng hướng, phát huy hiệu quả các giá trị di sản, danh lam, thắng cảnh của quê hương, các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, độc đáo, có chất lượng hơn.

Cùng với thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, mạng lưới du lịch đã hình thành ở hầu hết các huyện, thành, thị, nổi bật như ở Nam Đàn, Thanh Chương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong... Trên thực tế, ngành du lịch đã và đang đóng góp rất quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách của tỉnh, cải thiện chất lượng đời sống người dân. 

Ưu tiên phát triển ngành Du lịch 

Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hoá TT&DL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, ngành Du lịch là ngành công nghiệp không khói, là ngành mà cả thế giới nhận thấy “con gà đẻ trứng vàng” và lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã sớm nhìn thấy thế mạnh.

Thông qua du lịch, nhiều tổ chức Quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm đến an toàn ở Châu Á. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần đưa Du lịch trở thành ngành công nghiệp quan trọng.

{keywords}
Toàn cảnh các diễn giả tại buổi hội thảo du lịch 2021 tổ chức tại Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy

Sau đại dịch, Du lịch Việt Nam đã bị đông cứng, đứt gãy khi tác động của đại dịch Covid-19. Năm 2020, lượng khách quốc tế giảm 73%, đến 2021, ngành Du lịch thế giới thiệt hại hơn 4 tỷ USD và Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh đó.

“Khi cánh cửa khách quốc tế bị đóng băng thì chúng ta hướng về khách nội địa. Chúng ta phát huy các giá trị di tích, di sản của cha ông để lại; tổ chức các gói du lịch ngắn gọn và an toàn. Việt Nam là điểm đến an toàn của quy khách, đến với điểm văn hoá và di tích lịch sử” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ rõ.

Phát triển du lịch cộng đồng, đẩy nhanh tiêm vắc-xin mũi 3 để mở cửa

Chỉ đạo trực tuyến hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong 10 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã có những sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế.

Tuy nhiên cần lưu ý, Việt Nam hấp dẫn du khách bởi các hoạt động du lịch văn hoá, có tính dân gian. Do đó, trong thời gian tới đây, cần tập trung phát triển rất mạnh các sản phẩm du lịch cộng đồng vì đây là sản phẩm bổ trợ rất tốt cho những sản phẩm đã có của các doanh nghiệp lớn.

Đặc biệt, du lịch cộng đồng giúp ích cho rất nhiều người dân, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt tiếp cận với thế giới. Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ đưa Việt Nam ra thế giới mà còn đưa văn hoá thế giới đến tận vùng sâu vùng xa.

Phó Thủ tướng cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc số hoá dữ liệu, do đó cần tập trung nhanh chóng số hoá nguồn tài nguyên du lịch, đặc biệt là nguồn tài nguyên về văn hoá.


"Liên quan đến vấn đề dịch bệnh, tôi đã nghe các đồng chí lãnh đạo Tổng cục du lịch nói nhiều trong hội thảo về việc mở cửa , mở mở và mở cửa. Tuy nhiên cần lưu ý muốn mở cửa thì phải đảm bảo an toàn.

Nếu Việt Nam không an toàn thì người ta cũng không đến, ngay cả địa phương không an toàn thì du khách trong nước cũng không đến. Theo tôi chúng ta không nên nóng vội và nên làm chắc chắn.

Cái chính nhất là cần kiểm soát dịch bệnh thật tốt trong thời gian ngắn nhất và trong thời gian đó làm thật tốt các công việc chuẩn bị. Mở ra mà đóng vào thì nguy hiểm hơn là mình chuẩn bị rất tốt rồi mở ra một cách chăc chắn.

Theo tôi, chúng ta cần tổ chức tiêm vắc xin mũi 3 thật nhanh, thật gọn và chuẩn bị thuốc điều trị, y tế sẵn sàng để mở cửa đón khách quốc tế..." - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Ngôi nhà ngoại ô phủ kín 3.000 gốc hoa hồng đẹp như resort của gia đình Hà Nội

Ngôi nhà hoa hồng với gần 3.000 gốc đua nhau khoe sắc, tỏa hương thơm ngát của gia đình chị Thy tại ngoại thành Hà Nội khiến nhiều người mê mẩn, khen ngợi hết lời.

Quốc Huy