Hôm nay, 16/11/2016, tại Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức hội thảo chủ đề “Đào tạo kỹ sư CNTT theo yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc Học viện cho biết, trong những năm qua, Học viện đã triển khai hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị của Nhật Bản như JICA, Đại học Aizu… Những hoạt động hợp tác này đã mở ra nhiều cơ hội được học tập, nâng cao chuyên môn kỹ năng và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên, học viên của Học viện.

Theo nhận định của ông Đặng Hoài Bắc, hiện nay tại Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung trong đó có Nhật Bản, nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT đang rất lớn. Vì vậy, việc triển khai dự án Phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt - Nhật sẽ mở ra cơ hội cho các sinh viên Học viên được tiếp xúc và tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp Nhật Bản.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã thông tin cho các sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp Nhật Bản, chiến lược phát triển nguồn nhân lực và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Nhật cũng như chia sẻ những bí quyết để thành công trong các doanh nghiệp Nhật Bản.

Trước đó, tại chương trình Vietnam IT Day 2016 diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản hồi trung tuần tháng 2/2016, ông Nguyễn Đoàn Hùng, Tổng giám đốc LZT Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt - Nhật (VJC) trực thuộc VINASA cũng đã cho biết, trong vòng 4 năm tới, Nhật Bản có nhu cầu tuyển 30.000 kỹ sư CNTT người nước ngoài làm việc tại Nhật chủ yếu từ Ấn Độ và Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nỗ lực tìm cách hợp tác với các trường của Nhật Bản và Việt Nam để có thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn này. Tiêu biểu như FPT Software với chương trình đào tạo 10.000 Kỹ sư CNTT nói tiếng Nhật, hay Rikkeisoft với mục tiêu 1.000 kỹ sư CNTT phục vụ thị trường này. Việc đáp ứng nhu cầu rất lớn này của thị trường quan trọng này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam tập trung nguồn lực tối đa và phải có chương trình hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cả số lượng và chất lượng.

Gần đây nhất, chia sẻ tạisự kiện Ngày CNTT Nhật Bản lần thứ 10 (Japan ICT Day 2016) chủ đề: 10 năm hợp tác Việt Nam và Nhât Bản - Nhìn lại quá khứ, hướng tới tương lai “DỊCH VỤ CNTT - SẢN PHẨM CNTT - CÔNG NGHỆ MỚI” diễn ra cuối tháng 10/2016 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đoàn Hùng cho rằng, hợp tác giữa doanh nghiệp CNTT hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong những năm qua mặc dù đã có sự phát triển, song chưa tương xứng với tiềm năng. Theo ông Hùng một trong những nguyên nhân là do nguồn nhân lực CNTT biết tiếng Nhật còn thiếu cả về lượng và chất.

Cũng tại Japan ICT Day 2016, ông Nguyễn Đoàn Hùng cho hay, để phần nào giải quyết sự thiếu hụt lực lượng kỹ sư CNTT biết tiếng Nhật, với tư cách Chủ tịch Câu lạc bộ VJC, ông đang vận động xin nguồn tài trợ từ Chính phủ Nhật Bản để tài trợ cho 2 trường đại học tại Hà Nội thực hiện chương trình đào tạo nhân lực CNTT đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật.

Hội thảo “Đào tạo kỹ sư CNTT theo yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản” diễn ra sáng ngày 16/11 tại cơ sở đào tạo Hà Nội của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là hoạt động đầu tiên của dự án “Phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt - Nhật”.

Được tài trợ bởi Chính phủ Nhật Bản thông qua Ủy ban Hợp tác kinh tế công nghiệp Nhật Bản - ASEAN (AMEICC), dự án “Phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt - Nhật” nhằm mục đích đào tạo kỹ sư có kỹ năng CNTT nâng cao đáp ứng nhu cầu thực tế, giỏi tiếng Nhật để làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Nguồn quỹ sẽ được sử dụng để xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng CNTT nâng cao theo yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp Nhật Bản, chương trình đào tạo tiếng Nhật (thương mại) từ sơ cấp đến cấp độ sử dụng thực tế (N2) và tổ chức các khóa đào tạo.

Thông tin thêm về dự án, ông Sasaki, Tổng Giám đốc Công ty Pocket Queries - đơn vị chủ trì dự án cho biết, mục tiêu của dự án "Phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt - Nhật" là trong 3 năm, đào tạo được 100 kỹ sư có trình độ tiếng Nhật N2, có chuyên môn sâu về lập trình và đồ họa máy tính (Computer Graphic) để làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Được triển khai thực hiện trong thời gian từ tháng 12/2016 đến 3/2019, dự án có đối tượng tham gia là sinh viên các ngành kỹ thuật của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Trong đó, ưu tiên sinh viên các ngành CNTT, Truyền thông Đa phương tiện, Kỹ thuật Điện tử, Điện tử truyền thông.

Tham gia dự án này, sinh viên Học viện sẽ được tài trợ 100% chi phí đào tạo kỹ năng lập trình nâng cao (lập trình Web, cơ sở dữ liệu, di động và đồ họa máy tính) và tiếng Nhật thương mại từ trình độ cơ bản đến mức N2. Bên cạnh đó, sinh viên Học viện cũng sẽ được thực tập, được tuyển dụng bởi các doanh nghiệp CNTT tại Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam với mức thu nhập cao và môi trường làm việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các sinh viên Học viện được chọn sẽ phải cam kết tham gia dự án đến cùng và làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản khi được tuyển dụng.

Chia sẻ về kế hoạch triển khai dự án “Phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt - Nhật” tại Trung tâm đào tạo Bưu chính Viễn thông 1, Hà Nội, ông Chu Quang Ngọc - Giám đốc Trung tâm cho biết, tổng số sinh viên Học viện dự kiến được tuyển tham gia dự án tại Hà Nội là 65 sinh viên, gồm 30 sinh viên năm thứ hai đáp ứng điều kiện có tư duy logic tốt, chưa biết tiếng Nhật; 20 sinh viên năm thứ ba đã học lập trình nhưng chưa biết tiếng Nhật; và 15 sinh viên năm thứ ba và thứ tư đáp ứng điều kiện đã học lập trình và có trình độ tiếng Nhật N3.

Các sinh viên Học viện có thể đăng ký tham gia dự án  “Phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt - Nhật” trực tiếp tại Trung tâm đào tạo Bưu chính Viễn thông 1, tầng 4, nhà A1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Km 10 Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội; hoặc đặc ký trực tuyến tại đây.