Theo đại diện lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, lễ ký kết biên bản hợp tác với eGA là hoạt động thúc đẩy các chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa cứu khoa học đáp ứng mục tiêu phát triển của Học viện hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0.
Có hiệu lực trong 3 năm, Biên bản hợp tác nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực Quản trị điện tử giữa PTIT và eGA hướng tới mục tiêu thiết lập khung hợp tác giữa 2 tổ chức đào tạo và nghiên cứu nhằm khuyến khích và thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực trong các lĩnh vực quản trị điện tử, quản lý Chính phủ điện tử và hoạt động nghiên cứu cho các cán bộ công chức Việt Nam.
Theo nội dung biên bản hợp tác mới được ký kết, thời gian tới PTIT và eGA sẽ tiến hành trao đổi giảng viên, cán bộ, nghiên cứu sinh, sinh viên; thực hiện các hoạt động nghiên cứu chung trong lĩnh vực Thông tin, Công nghệ và Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, blockchain và các diễn đàn trao đổi học thuật; Trao đổi kiến thức thực tiễn trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu liên quan đến CNTT-TT (ICT), các giải pháp tư vấn, nghiên cứu, quan hệ đối tác và phát triển dịch vụ công…
Để thực hiện các nội dung thỏa thuận này, PTIT và eGA thống nhất sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất để triển khai hợp tác. Hai bên cũng sẽ phối hợp tổ chức những buổi tham vấn định kỳ cần thiết trong quá trình thực hiện thỏa thuận.
Thông tin chi tiết về thủ tục và chương trình cụ thể cho các hoạt động trao đổi và hợp tác trong khuôn khổ Biên bản hợp tác nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực Quản trị điện tử giữa PTIT và eGA sẽ được quyết định theo các thỏa thuận cụ thể cho từng hoạt động được triển khai. Các thỏa thuận này sẽ được thống nhất giữa các bên và coi như là một phần bổ sung của Biên bản. Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất sẽ trao đổi chuyên môn trong quá trình tham dự hay thực hiện bất kỳ hoạt động nào được đồng ý bởi hai nước.
Trước đó, từ năm 2017, PTIT và eGA đã có sự hợp tác trong một số chương trình cấp nhà nước về Chính phủ điện tử và nghiên cứu khoa học cho cán bộ Việt Nam trong khu vực công.
Ngay trước lễ ký kết biên bản hợp tác với PTIT, đại diện eGA, Phó giám đốc Hannes Astok đã tham dự Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Vietnam ICT Summit 2018 chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số” và có bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử tại Estonia.
Theo chia sẻ của ông Hannes Astok, câu chuyện Estonia - quốc gia nhỏ bé đã gặp rất nhiều vấn đề khó khăn sau khi tách khỏi Liên bang Xô Viết đã làm cách nào để vươn lên trở thành quốc gia số hoá thành công nhất thế giới. Quyết tâm cao độ của Chính phủ nước này cùng với khoản ngân sách 70 ngàn USD để triển khai dự án chính phủ điện tử đầu tiên, đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia của nước này đã cung cấp đến 99% các dịch vụ thiết yếu (1.500 dịch vụ trực tuyến) cho người dân, doanh nghiệp và thiết lập các hệ thống quản lý đăng ký công dân, hệ thống xác thực thông qua mã số công dân điện tử (eID), xác thực thông qua số điện thoại (MobileID) cùng chữ ký số để thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước; Đặc biệt, phải kể đến Hệ thống thông tin phục vụ họp Chính phủ (e-Cabinet) và Hệ thống tham vấn chính sách (e-Consultation), giúp các cơ quan đầu não có thể theo dõi, quản lý lịch họp, nghiên cứu, xử lý tài liệu, hồ sơ điện tử qua mạng. Các hệ thống này giúp tăng hiệu quả, giảm thời gian, giấy tờ cho các cuộc họp của Chính phủ, thậm chí tạo nên “kỳ tích” khi có những cuộc họp Chính phủ diễn ra trong khoảng thời gian 30 phút, cuộc họp ngắn nhất kéo dài 1 phút…
Câu chuyện thực tế và kết quả “thần kỳ” mà quá trình chuyển đổi số mang lại cho việc điều hành, quản lý ở các nước đã và đang triển khai thành công Chính phủ điện tử, trong đó có Estonia sẽ là nguồn cảm hứng, là động lực để Việt Nam bắt tay viết nên câu chuyện thành công của riêng mình.