Hợp tác công tư tạo động lực thay đổi
Theo các chuyên gia môi trường tại sự kiện Ngày Trái đất nhận định, mỗi thói quen sinh hoạt của người Việt sẽ “thải” ra khoảng 3,8kg rác. Trong đó chỉ 25% số rác này được thu gom tái chế, điều đó có nghĩa là 75% còn lại đã bị lãng phí và môi trường phải hứng chịu lượng rác bị “bỏ quên” này.
Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đánh giá, hợp tác công tư tạo ra sức mạnh tổng hợp từ Chính phủ tới nhóm tư nhân. Nhờ đó, tạo ra một mô hình hợp tác cùng nhau giải quyết các vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam.
“Mô hình này là diễn đàn thiết thực giúp Chính phủ, Bộ TNMT và khối tư nhân chia sẻ các sáng kiến cũng như kiến nghị thực tiễn cao, giúp cho các cơ quan chức năng hoàn thiện chính sách khả thi hơn, phù hợp hơn”, ông cho biết thêm.
Có thể nói, sự hợp tác này là giải pháp cấp thiết và mang tính thực tiễn cao trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Những đổi mới mang lại hiệu quả lớn
Trong 2 năm qua, Hợp tác Công - Tư quản lý rác thải nhựa đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Cụ thể, dự án đã phân loại và thu gom được hơn 9.000 tấn rác tái chế, trong đó có 6.520 tấn rác thải nhựa và góp phần hỗ trợ trực tiếp đến hơn 1.200 lao động ổn định cuộc sống. Hơn 50 cơ quan bộ ngành cũng tích cực truyền thông và lan tỏa cho dự án, bằng việc sử dụng 1.700 thùng rác đặc biệt sản xuất từ 30 tấn rác thải nhựa tái chế, có chức năng phân loại rác tại nguồn.
Hoạt động phân loại, thu gom rác thải nhựa được tuyên truyền trực tiếp đến 18 phường xã, 41.400 hộ gia đình tại Hà Nội. Các hoạt động giáo dục học sinh và hướng dẫn thu gom rác thải được tiến hành tại 32 trường học, tiếp cận hơn 15.000 học sinh tại Hà Nội và hơn 1.300 học sinh tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Với những đối tác tích cực của các DN như Tập đoàn SCG và công ty Hoá dầu Long Sơn qua dự án thí điểm phân loại rác tại nguồn ở trường Tiểu học Long Sơn 1 và Long Sơn 2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kéo dài trong 2 năm.
Dự án phân loại rác tại các trường tiểu học Long Sơn, BRVT góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức của thế hệ trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung về các vấn đề môi trường và thói quen phân loại rác thải |
Hướng đến giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ về nền kinh tế tuần hoàn, dự án đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Tập thể giáo viên và học sinh 2 trường đã phân loại và thu gom đến 1500kg rác thải với hơn 700 người tham dự sự kiện Đổi rác lấy quà. Các em đã thành lập Đội Đại sứ môi trường và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa từ khâu phân loại đến thu gom và tái chế rác, đồng thời cuộc thi Khoảnh khắc đại sứ môi trường cũng được tổ chức để lan tỏa giá trị tích cực. Dự án của công ty Hóa dầu Long Sơn (LSP), Tập đoàn SCG cũng nhận được sự hợp tác từ doanh nghiệp xã hội mGreen và Công ty thu gom rác tại địa phương Gia Linh.
Từ những thí điểm thành công ban đầu, Hợp tác Công - Tư quản lý rác thải nhựa sẽ đẩy mạnh các dự án và mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn, tiến tới nhân rộng trên toàn quốc, nhằm tạo và củng cố thói quen phân loại rác tại nguồn cho người dân.
Nhận định về tầm quan trọng của mô hình hợp tác này, ông Thanapat Kaweettraiphop, Giám đốc Thương mại, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, công ty thành viên của SCG Chemicals, ngành hóa dầu tập đoàn SCG đánh giá: “Hợp tác Công - Tư Quản Lý Rác Thải Nhựa đã làm việc để tìm ra các giải pháp cho các dự án thí điểm liên quan đến quản lý rác thải nhựa tại Hà Nội, Cần Thơ và Bà Rịa Vũng Tàu, phù hợp với bối cảnh từng địa phương và có thể duy trì lâu dài. Để mở rộng khuôn khổ và quy mô sang các lĩnh vực khác, chúng ta cần sự hỗ trợ và hợp tác liên tục từ các cấp chính phủ và các đối tác trong chuỗi quản lý rác thải nhựa để xây dựng Kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững.
Hội thảo “Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam” ngày 28/02 dưới hình thức trực tuyến với nhiều sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, tổ chức cả trong và ngoài nước |
Hiện nay, đã có thêm 24 thành viên mới gia nhập vào hợp tác vững chắc này. Với thành phần đa dạng từ chính quyền địa phương, các công ty nhựa tái chế, trường học, tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp có cam kết cao về phát triển bền vững, chắc chắn hoạt động hợp tác này sẽ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Quang Khải
Nông dân 'bỏ túi' hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây tre
Từ cây tre, anh Thành đã chế được nhiều món hàng gia dụng bán ra thị trường, mang lại nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.