Những năm gần đây, pizza trở thành món lựa chọn quen thuộc của nhiều gia đình, đặc biệt là giới trẻ. Giá của món ăn này thường dao động từ 50.000-200.000/cái, thậm chí đắt hơn tùy loại và tùy vào chất lượng nhân bánh.
Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một loại “pizza cấp đông” đang được rao bán tràn ngập trên “chợ mạng” với giá siêu rẻ, chỉ từ 12.000-50.000 đồng/cái. Đáng chú ý, loại pizza này có thể để tới 3-4 tháng mà không lo mốc hỏng.
Mua bao nhiêu cũng có
Do tình hình ai cũng sợ ra đường để tránh lây nhiễm bệnh COVID-19, bên cạnh đó việc các cháu học sinh được nghỉ học nhiều ngày qua nên mặt hàng pizza được bán chạy hơn bao giờ hết.
Chị Minh Hạnh ở phường Hà Trì, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, 2 tuần qua, pizza trở thành món ăn quen thuộc, khoái khẩu của gia đình chị nhất là bọn trẻ, lại nhanh gọn tiện lợi, không mất nhiều thời gian chế biến, nếu muốn ngon cho thêm nhân bánh tùy theo sở thích mỗi người. Chỉ cần lên mạng đặt mua thì các loại pizza cấp đông đã được chế biến sẵn với nhiều vị như: gà, bò, xúc xích, hải sản,... Mua sẵn về để tủ lạnh thoải mái, 2-3 tháng không lo hỏng nên mỗi lần tôi mua vài chục cái để cho các cháu ở nhà đói thì tự quay lên ăn khi bố mẹ đi làm không có nhà”, chị Minh Hạnh cho biết.
Chất lượng “Pizza cấp đông” còn bỏ ngỏ.
Rà soát theo các trang mạng và facebook nhiều loại pizza cấp đông được quảng cáo rất đa dạng. Tùy từng size bánh, từng vị mà có giá khác nhau, dao động 35.000-50.000 đồng/cái. Trước khi ăn, chỉ cần bỏ vào lò vi sóng quay chín là ăn được ngay, vừa nhanh lại tiện lợi.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện trên thị trường, những chiếc pizza được làm thủ công đóng gói với đa dạng mùi vị được rao bán tràn lan trên mạng. Đáng chú ý, những chiếc pizza này đều không có nhãn mác, hạn sử dụng cụ thể. Nếu mua sỉ với số lượng lớn thì có giá khá rẻ, chỉ 12.000 đồng/cái, mua nhiều giá rẻ hơn. Hơn nữa khách muốn lấy bao nhiêu cũng có, chỉ cần đặt trước 2 ngày hàng sẽ chuyển đến tận nơi. Hàng được cấp đông đóng thùng từ 50 cái trở lên, đặc biệt theo lời quảng cáo pizza này để được thoải mái, hạn sử dụng lên đến 3-4 tháng không lo hỏng, sau khi chế biến đảm bảo vẫn giữ được mùi vị thơm ngon.
Một đại lý chuyên cung cấp bánh pizza cấp đông tiết lộ: “Pizza cấp đông đa dạng, có size 14-18-23cm, đặc biệt đầy đủ các vị như: bò, gà, xúc xích... mỗi ngày cơ sở này bán lên đến 100-200 cái cả bán lẻ và sỉ, muốn lấy bao nhiêu cũng có. Theo đó, giá các loại pizza sẽ khác nhau, mua lẻ có giá 30.000-50.000 đồng/cái, mua sỉ từ 100 cái có giá dao động 15.000-30.000 đồng/cái tùy size.
Chủ đại lý này cho biết thêm, những chiếc pizza vị bò, gà, ba chỉ,... được đóng túi rao bán tràn lan đa số được làm từ nguyên liệu đông lạnh nhập khẩu Hà Lan, Mỹ, Úc... với giá rẻ. Để thoải mái, lên đến 3-4 tháng không lo mốc hỏng nên các hàng quán thường lấy về tích trữ bán dần.
Chất lượng đang bị thả nổi
Ngày nay xu hướng mua sắm thực phẩm qua mạng ngày càng trở lên phổ biến. Theo các chuyên gia kinh tế, kinh doanh thực phẩm online không tốn tiền thuê mặt bằng, vốn ít, không giới hạn thời gian, nên tiết kiệm chi phí, quay vòng vốn nhanh. Ngoài ra, thực phẩm bán online tạo điều kiện khá thuận lợi cho người tiêu dùng. Thương mại điện tử đã đi đến những ngõ ngách sâu nhất về thói quen mua hàng của người Việt và được nhiều tín đồ mua sắm lựa chọn vì sự tiện lợi của nó.
Tuy nhiên, việc quản lý và giám sát việc mua sắm online đang gặp nhiều vấn đề. Trên thực tế vẫn còn không ít cá nhân kinh doanh trực tuyến qua các trang web, mạng xã hội chưa có giấy tờ kiểm nghiệm chất lượng, nguồn gốc thực phẩm từ các cơ quan chức năng, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Trao đổi với đại diện Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, việc phát hiện và xử phạt việc kinh doanh online cũng gặp nhiều khó khăn. Vì trên thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh chỉ tồn tại trên mạng và được chủ cửa hàng cam đoan bằng lời nói, khách hàng mua sản phẩm bằng niềm tin. Khó xác định được chủ thể kinh doanh, thậm trí địa chỉ cơ sở là “ảo” không có thật.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục ATTP, Bộ Y tế), hiện nay cơ quan chức năng căn cứ vào Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ để xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. Tuy vậy, với các cơ sở kinh doanh thực phẩm dưới hình thức online việc xử phạt được cho là còn khó khăn. Bởi, việc buôn bán thực phẩm online trên thực tế chưa được kiểm soát chặt chẽ. Cách bán hàng tự phát, phần lớn chủ hàng không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, thực phẩm bán online hiện nay không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ cũng như ATTP. Vấn đề ở đây là trước khi xử phạt thì phải xác định được chủ thể vi phạm hoạt động này, vì khi các cá nhân bán hàng trên mạng thay đổi địa điểm thường xuyên thì sẽ khó khăn rất nhiều trong việc quản lý và xử phạt, thậm chí sẽ không truy tìm được chủ thể kinh doanh để xử phạt.
Thiết nghĩ, ngoài việc tăng cường lực lượng chức năng tham gia kiểm tra giám sát thì cần nhất cái tâm của nhà kinh doanh, không vì lợi nhuận mà kinh doanh những thực phẩm kém chất lượng ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Trong khi chờ đợi các cơ quan kiểm tra, giám sát thì người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng việc nên chọn mua thực phẩm sạch ở những địa chỉ tin cậy, sản phẩm có xuất xứ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” mà không biết kêu ai.
Theo Sức khỏe & Đời sống