- 18 năm kể từ khi cuộc triển lãm "Hồi niệm" khép lại ở trung tâm lịch sử Kentucky, cựu phóng viên ảnh chiến trường Mỹ bước chân vào căn phòng lưu giữ những bức ảnh tại bảo tàng chứng tích chiến tranh ở TP.HCM.
Đeo lủng lẳng chiếc máy ảnh cổ có từ 1965 từng theo chân trên chiến trường Việt Nam, Tim Page lặng người đứng giữa căn phòng lớn. "Tôi ở đây với những người bạn của tôi. Tất cả họ đã chết" - Tim Page chỉ tay vào các khung ảnh treo khắp căn phòng.
1997. Bộ sưu tập ảnh "Hồi niệm" thuộc dự án ảnh về chiến tranh do Tim Page và Horst Fass khởi xướng được nhà xuất bản Random - Mỹ ấn hành, bắt đầu được đưa đi triển lãm tại các châu lục trên thế giới. Cuộc triển lãm với tên ngắn gọn "Hồi niệm" ngay lập tức gây chấn động truyền thông quốc tế.
Hai phóng viên ảnh chiến trường không muốn những bức hình từng chụp trong chiến tranh Việt Nam đút trong tủ lưu trữ của mình. Tim Page và Horst Fass muốn tập hợp lại những bức ảnh về chiến tranh Đông Dương có khoảnh khắc đắt giá của cả những đồng nghiệp.
Những bức ảnh được thu thập với mục đích tưởng niệm tất cả các phóng viên nhiếp ảnh đã mất trong cuộc chiến tranh này, bất kể quốc tịch, chính kiến của họ. Một điều ý nghĩa, đó là dự án của Tim Page và Horst Fass đã được thực hiện khi Thông tấn xã Việt Nam cho phép các ông tiếp cận hồ sơ ảnh về chiến tranh Việt Nam.
Sau 4 năm, họ đã tập hợp được hàng ngàn bức ảnh của 134 nhà nhiếp ảnh hai bên chiến tuyến để chọn lọc, đưa vào bộ sưu tập ảnh "Hồi niệm", trong đó có 72 phóng viên - liệt sỹ cách mạng Việt Nam, 16 phóng viên người Mỹ, 12 phóng viên người Pháp, 4 phóng viên người Nhật Bản, 11 phóng viên người Việt (thuộc chính quyền Sài Gòn cũ), số còn lại thuộc các quốc tịch Úc, Áo, Anh, Đức, Thuỵ Sĩ, Singapore, Campuchia.
Kể từ lần đầu ra mắt vào tháng 11/1997, "Hồi niệm" được đưa đi triển lãm khắp nơi trên thế giới, trong đó không thể thiếu Việt Nam. Tháng 11/1999, sau khi triển lãm kết thúc tại trung tâm lịch sử Kentucky - Mỹ, bộ ảnh được đưa đến trưng bày tại Việt Nam như một món quà mà nhân dân Kentucky tặng nhân dân Việt Nam với tinh thần "hy vọng, hàn gắn và lịch sử".
Tim Page vẫn không thể thoát sự quan tâm của báo chí dù ông cố giữ một vẻ tĩnh lặng cần thiết cho riêng mình khi nhìn lại những bức ảnh được trưng bày lưu giữ trong bảo tàng chứng tích chiến tranh TP.HCM đúng dịp 40 năm thống nhất. Bộ ảnh đã có tuổi đời 18 năm được đặt tại nơi không thể ý nghĩa hơn.
"Ý nghĩa của nó ư?" - câu hỏi cũ nhất vẫn khiến ông lặng người: "Đã có quá nhiều người hy sinh để ghi lại sự thật của chiến tranh. Và sự thật ấy quá đắt giá. Tôi nghĩ rằng, Hồi niệm là bộ sưu tập ảnh chiến tranh vĩ đại nhất. Horst đã ra đi cách đây 2 năm rồi...".
Ông chợt ngừng lại, tay đưa vò mái tóc bạc, rồi ngẩng mặt lên như cố ngăn dòng nước mắt chảy trào nơi khoé mắt đỏ hoe: "Ơn Chúa".
"Tôi rất buồn. Tôi rất hạnh phúc. Tôi thật bối rối. Tôi ghét chiến tranh. Tôi muốn có hoà bình hơn nữa...." - Tim nói dồn dập bỏ mặc kiểm soát cảm xúc dâng trào khi nhớ tới những người bạn, đồng nghiệp trong chiến tranh và đến người bạn đồng hành của dự án ảnh tâm huyết nhất cuộc đời ông cũng theo về với Chúa.
"Cuộc triển lãm thể hiện sự nỗ lực của chúng tôi, rằng đến cuối cuộc đời này, chúng tôi đã làm được việc quan trọng cần làm. Nó đã không vô nghĩa.
Ngày hôm nay, nơi đây đông người ghé thăm bởi họ hiểu lịch sử, hiểu đất nước của các bạn, hiểu những điều chúng tôi làm và hiểu thông điệp của những bức ảnh. Với những người đã hy sinh để ghi lại sự thật của chiến tranh, tôi phải nhớ" - ông nghẹn ngào nhắc hai lần từ "Hồi niệm" bằng tiếng Việt.
Tim thuộc từng bức ảnh của các đồng nghiệp, những khoảnh khắc tác nghiệp đầy hiểm nguy và rất nhiều bức, những khoảnh khắc có một không hai đó được ghi lại, đổi bằng tính mạng.
Tim chỉ lên một bức ảnh của một phóng viên chiến trường Việt Nam mà khi tiếp cận trong kho ảnh của phía Việt Nam cung cấp, ông đã biết nó sẽ là một phần linh hồn của "Hồi niệm". Người phóng viên sau khi ghi lại khoảnh khắc, chỉ thêm 3 cú bấm máy là qua đời. Ông đã tìm gặp con trai của người phóng viên - liệt sỹ Việt Nam đó.
"Anh ấy thực sự là người anh hùng. Tìm thấy bức ảnh đó giống như mở một chiếc hộp thần kỳ" - Tim say sưa kể.
Với tay chỉ sang một bức ảnh khác có tên "Một người cứu thương: bình tĩnh và cống hiến" nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Henri Huet, Tim kể nó đã xuất hiện trên báo chí khắp thế giới và trong tạp chí LIFE vào ngày 11/02/1966. Henri Huet được Tim mô tả "như một người cha" khi dạy ông bước vào nghề phóng viên ảnh chiến trường.
"Khi tôi đến Việt Nam mới chỉ 18,19 tuổi, tôi chưa từng biết chụp phim, một phóng viên ảnh chiến trường "búng ra sữa" cả về nghề và tuổi đời, Henri đã chỉ cho tôi tất cả, cách sử dụng máy ảnh, làm ảnh đen trắng... Ông ấy thực sự như người cha của tôi".
Một du khách người nước ngoài theo dõi Tim Page suốt từ lúc ông bước vào căn phòng triển lãm. Thấy Tim bối rối, vợ ông đứng kế bên kề vai vỗ về, an ủi và khóc theo, vị du khách không nén nổi tò mò.
"Xin cho hỏi người đàn ông ấy là ai vậy?" - vị du khách khều vai một phóng viên hỏi. "Đó là tác giả bức ảnh chiến tranh Việt Nam rất lớn treo đằng kia".
Gửi lời cảm ơn, người đàn ông rút chiếc máy ảnh dạng bán chuyên nghiệp hiệu Canon trong túi và chụp lại khoảnh khắc Tim với lấy chiếc khăn rằn vắt cổ để thấm nước mắt.
Ngày trở lại bảo tàng chứng tích chiến tranh TP.HCM của Tim tràn ngập nắng:
Xuân Linh - Ảnh: Lê Anh Dũng