Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và khu vực khác nhau trên thế giới. Thành tích này có sự đóng góp của nhiều con người. Tuy vậy, không phải ai cũng biết rằng, về lĩnh vực viễn thông và CNTT, Việt Nam có rất ít chuyên gia đàm phán. Trong đó, nổi bật hơn cả là anh Nguyễn Quý Quyền - chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TT&TT).

Là một chuyên gia am hiểu sâu về luật pháp và có kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc với các cơ quan, tổ chức quốc tế, anh Quyền được phân công phụ trách đàm phán, ký kết và triển khai việc thực hiện các Hiệp định FTA trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, bao gồm cả mảng thương mại điện tử. Đây là những lĩnh vực mà Đoàn đàm phán Chính phủ giao cho Bộ TT&TT chủ trì.

{keywords}
Anh Nguyễn Quý Quyền - một trong những chuyên gia đàm phán hàng đầu về lĩnh vực thông tin và truyền thông. 

Suốt 10 năm công tác tại Bộ TT&TT, anh Quyền đã trực tiếp xây dựng phương án và tham gia đàm phán nhiều Hiệp định FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà sau này đổi tên thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA song phương với EU (EVFTA), FTA song phương với Hàn Quốc, FTA song phương với Khối Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU FTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện mở rộng ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

Anh Quyền hiện là 1 trong 2 đại diện Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia Ban Điều hành Nhóm tư vấn phát triển viễn thông và CNTT cho các nước đang và kém phát triển (TDAG) của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và giữ vai trò Phó Chủ tịch. Anh đã có 2 nhiệm kỳ liên tiếp được bầu làm Phó Chủ tịch Nhóm nghiên cứu số 1 thuộc lĩnh vực ITU-D (Lĩnh vực Phát triển) của ITU.

Có thể nói, anh Quyền hiện là cầu nối duy nhất giữa các đơn vị thống kê về lĩnh vực Viễn thông/CNTT với ITU trong quá trình nghiên cứu và đồng bộ hóa Hệ thống chỉ tiêu đánh giá xếp hạng phát triển viễn thông và CNTT giữa Việt Nam và Liên minh Viễn thông Quốc tế.

Với bề dày kinh nghiệm cùng những thành tích đã đạt được, anh Quyền được biết đến như một chuyên gia đàm phán hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Người đi công tác trên dưới 100 ngày mỗi năm

Chia sẻ với PV. VietNamNet, anh Quyền cho biết, nhiệm vụ của chuyên gia đàm phán không chỉ đơn giản là đi đàm phán như mọi người vẫn nghĩ. Thay vào đó, anh phải phụ trách việc xây dựng phương án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tham gia đàm phán rồi cuối cùng là báo cáo kết quả và xin ý kiến chỉ đạo.

Với các Hiệp định FTA ở giai đoạn kết thúc, có những lúc dù chưa kịp đi đợt này, anh đã phải chuẩn bị thủ tục để tham gia đợt đàm phán tiếp theo.

{keywords}
Anh Quyền (người ngoài cùng bên phải) cùng team quản trị Nhóm nghiên cứu số 1 thuộc lĩnh vực ITU-D (Lĩnh vực Phát triển) của Liên minh Viễn thông Quốc tế. Anh Quyền cũng đã có 2 nhiệm kỳ liên tiếp được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch nhóm nghiên cứu này. 

Sau khi đàm phán xong các hiệp định, anh Quyền lại tiếp tục phối hợp trực tiếp với Bộ Công Thương - Bộ chủ trì đàm phán các Hiệp định FTA để hoàn thiện hồ sơ, tài liệu và thủ tục phê chuẩn hoặc phê duyệt. Sau khi Hiệp định có hiệu lực, anh Quyền còn trực tiếp xây dựng kế hoạch thực thi, bao gồm cả công tác thông tin tuyên truyền và tập huấn cho các bên liên quan về nội dung cam kết. 

Đôi lúc, có vài Hiệp định FTA được tiến hành đàm phán song song. Với những trường hợp này, lãnh đạo Bộ TT&TT phải cử người khác đi thay, tuy nhiên phương án đàm phán vẫn do anh Quyền đảm trách.

Nguyễn Quý Quyền vẫn phải tham gia nhiều công việc khác của đơn vị như nghiên cứu góp ý các đề án, chương trình, chiến lược, dự thảo quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông. Ngoài sự vất vả, tất bật trong công việc, khó khăn thường trực với những cán bộ đàm phán hội nhập là thường xuyên phải đi công tác xa nhà.

{keywords}
Do đặc thù công việc, anh Quyền phải dành rất nhiều thời gian cho các chuyến công tác nước ngoài. Mỗi khi về nhà, anh lại phải tất bật lo việc chuẩn bị cho các vòng đàm phán tới. 

Là đại diện Việt Nam tham gia 2 nhóm đàm phán về dịch vụ viễn thông và thương mại điện tử, với mỗi vòng đàm phán, anh Quyền thường phải sang nước bạn khoảng 10 ngày. Trong khi đó, các vòng đàm phán kỹ thuật diễn ra gần như liên tục.

Chia sẻ về cảm xúc mỗi khi xa nhà, anh Quyền cho biết, nhờ có công nghệ hiện đại, mỗi khi nhớ vợ nhớ con, anh lại mở Viber, Zalo hay WhatsApp để kết nối với họ từ xa. “May mắn là vợ con cũng hiểu và thông cảm cho công việc của mình”, anh nói. 

Những giây phút “cân não” xuyên đêm

Mỗi buổi đàm phán thường bắt đầu từ 9h sáng đến 6h tối. Song đến giai đoạn phải chốt phương án để ký kết các hiệp định, việc đàm phán có thể diễn ra từ 8 giờ sáng cho tới tận 1 - 2h đêm.

Nhìn chung, các nước đều cố gắng bằng mọi cách để đạt được mục tiêu. Với lĩnh vực viễn thông hay thương mại điện tử, Việt Nam thường phải chịu nhiều sức ép nhất, quyết tâm bảo lưu những ý kiến nhằm phù hợp với chính sách và pháp luật trong nước. 

{keywords}
Với bề dày kinh nghiệm làm việc cùng các tổ chức quốc tế, anh Quyền là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).

Trong quá trình đàm phán, nhiều nước sử dụng biện pháp kéo dài cuộc họp xuyên đêm như một cách đánh đòn tâm lý. Đây là những khoảnh khắc vô cùng khó khăn với người làm công tác đàm phán như anh Quyền. “Lĩnh vực thông tin và truyền thông có một số vấn đề nhạy cảm đòi hỏi người đàm phán phải hết sức thận trọng, không được phép mất cảnh giác. Do đó, có một nguyên tắc bất di bất dịch là nếu “ở nhà” chưa thông qua, dù mệt đến mấy, cán bộ đàm phán của ta cũng không thể đồng ý được”, anh chia sẻ. 

Ví dụ trong lĩnh vực viễn thông, hệ thống cáp biển quốc tế là vấn đề khó đàm phán nhất. Hầu như ở tất cả các Hiệp định FTA, phía đối tác đều ép Việt Nam phải mở cửa để đưa thiết bị của họ vào đặt trong các trạm cập bờ của hệ thống cáp biển quốc tế. Quan điểm của họ là mở cửa hoàn toàn đối với hệ thống cáp biển quốc tế. Trong khi đó, đây là hạ tầng mạng viễn thông thiết yếu, có vai trò tối quan trọng liên quan đến an ninh, an toàn mạng thông tin đường trục của Việt Nam.

Hay như trong lĩnh vực thương mại điện tử (E-Com), các FTA thế hệ mới thường có nội dung liên quan đến tự do lưu chuyển thông tin qua biên giới, trong đó có việc xóa bỏ điều kiện đặt máy chủ trong nước như một điều kiện kinh doanh. Đây là một vướng mắc do có điểm khác biệt với chủ trương, chính sách của Việt Nam, đặc biệt là với các thông tin xuyên biên giới liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Khi có mâu thuẫn trên bàn đàm phán, công việc của những người như anh Quyền là phải giải thích cho đối tác hiểu vướng mắc của Việt Nam trong vấn đề này. Nếu không cho Việt Nam một ngoại lệ thì rất khó để chúng ta đồng ý. Trước quan điểm cứng rắn của Việt Nam, cuối cùng các nước đã phải chấp nhận. 

{keywords}
Hiểu sâu về luật pháp và có kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc với các cơ quan, tổ chức quốc tế, anh Quyền là chuyên gia phụ trách đàm phán, ký kết và triển khai việc thực hiện các Hiệp định FTA trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Theo anh, còn một nguyên tắc bất di bất dịch là người đàm phán phải nắm rất rõ về hành lang pháp lý để lập phương án ngay trên bàn ngoại giao. Trong quá trình đàm phán, mọi thông tin đưa ra đều phải có cơ sở pháp lý rõ ràng, từ đó mới đưa ra quan điểm. Người đàm phán không được đơn thuần chỉ nói “không”, phải luôn có lý do giải thích công khai và thuyết phục. Đây là cách giảm bớt bức xúc cho phía đối tác. 

Suốt 10 năm công tác tại Vụ Hợp tác Quốc tế, anh Nguyễn Quý Quyền không cho phép mình bỏ sót email nào, đây là thói quen được lưu giữ từ những ngày còn làm doanh nghiệp. 

Anh Quyền tâm niệm rằng, mỗi người đều phải có kế hoạch mục tiêu trong công việc. Chính vì lẽ đó, anh luôn đặt một danh sách mục tiêu trong năm trên màn hình desktop. Vị chuyên gia này còn chủ động xây dựng các bản KPI cá nhân (Chỉ số đo lường hiệu quả công việc) để cuối năm tự đánh giá bản thân mà không cần ai ghi nhận. 

Trong suy nghĩ của anh Quyền, muốn làm tốt công việc được giao, bản thân mỗi người lao động phải có khát khao, khát vọng và niềm tin. Tự bản thân từng người phải trả lời được câu hỏi: “Làm công việc này cho ai? Làm vì cái gì?”. 

Theo anh, điều đáng sợ không phải là khó khăn, gian khổ vì nhiều việc mà chỉ sợ mình đi mà không biết đi đâu, làm vì cái gì. Một khi đã có mục tiêu rõ ràng và niềm tin, dù làm ngày làm đêm sẽ chẳng thấy khó nhọc.

Trọng Đạt