Tôi biết chắc rằng, từ bỏ bục giảng, từ bỏ học trò là quyết định khó khăn và nhiều dằn vặt của một người từng rất đam mê với sự nghiệp trồng người như Liên.
Là một con người xuất sắc suốt quãng thời gian đi học, cô ấy đã đỗ vào ĐH Sư phạm, thời đó điểm chuẩn đầu vào cao chót vót.
Khi ra trường, cũng như rất nhiều người khác, Liên trải qua thời gian dài làm giáo viên dạy hợp đồng. Được sự hỗ trợ của gia đình qua các mối quan hệ, cô cũng được ký hợp đồng chính thức.
Khi hỏi về quyết định nghỉ dạy, Liên bùi ngùi: “Tôi không cố được nữa”.
Liên cho biết, năm đầu ký hợp đồng cô chỉ được nhận 85% của lương (890 nghìn đồng x1,34) và 30% đứng lớp. Tức mỗi tháng cô được nhận 1,7 triệu đồng tiền lương. Năm thứ 2 trở đi, dù được nhận đủ, lương giáo viên của cô cũng chỉ quanh quẩn mức 2 triệu đồng.
Ba năm tăng 1 lần, tới khi nghỉ việc, mức lương cô nhận được là 5,2 triệu đồng/tháng.
Liên cho biết, không chỉ có cô mà rất nhiều đồng nghiệp cũng nghỉ việc để làm môi giới nhà đất, bán hàng trên mạng, nhân viên phòng vé… Một số vẫn cố trụ lại với nghề nhưng “tay trong tay ngoài”.
“Thời điểm 'sốt' đất, người bạn cùng trường cũ của tôi nhanh nhẹn chớp thời cơ trúng 3-4 mảnh, lời được được vài tỷ, coi như yên tâm có vốn dắt lưng. Hôm nào có tiết dạy thì tới trường, ngoài giờ dạy bạn ấy dẫn khách đi xem đất, rao thông tin trên các trang mạng xã hội. Việc tích lũy kiến thức, thay đổi phương pháp dạy học, chú ý nắn chỉnh từng học sinh không được ở vị trí ưu tiên do tâm trí bị phân tán… Nhưng dù sao, tôi cũng vẫn nể bạn vì bạn đang cố gắng xoay sở để tiếp tục bám trụ với nghề”, Liên bùi ngùi.
Từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, toàn quốc có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư.
Cụ thể, có hơn 4.000 công chức và hơn 35.000 viên chức thôi việc. Trong đó, tỷ lệ nghỉ ở trung ương là 18% và địa phương 82%. Trung bình số người thôi việc mỗi năm là 15.800, chiếm 0,8% tổng biên chế và tập trung nhiều nhất chính ở lĩnh vực giáo dục và y tế.
Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, năm 2022 có khoảng 16 nghìn giáo viên xin nghỉ việc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học.
GS.TSKH Phạm Tất Dong, nguyên Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam từng chia sẻ, nghề giáo cao quý nhưng vì lương quá thấp nên nhiều giáo viên phải chấp nhận bỏ nghề. Ngoài đồng lương eo hẹp, họ còn phải chịu nhiều áp lực từ sự khắt khe của xã hội, “gồng gánh” thêm hàng loạt nhiệm vụ ngoài chuyên môn.
Cô bạn thân của tôi giờ thành nhân viên tuyển dụng việc làm cho các công ty ở khu công nghiệp. Mức lương 13 triệu đồng cao hơn 2 lần so với thời điểm cô còn đứng trên bục giảng. Cô cho biết, kiến thức trong 4 năm ở trường đại học sư phạm và kinh nghiệm 10 năm đứng lớp không giúp được nhiều cho công việc hiện tại. Ước mơ cả một thời tuổi trẻ đành gác lại…
Cả nước đang thiếu khoảng 100.000 giáo viên/tổng số 1,6 triệu giáo viên. Trong khi đó, vẫn đang thừa 10.178 giáo viên ở cả tiểu học, THCS, THPT. Tuy nhiên, chỉ tính riêng năm nay, có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc. Mới đây, Bộ Chính trị đã giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022-2026, riêng năm học này giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Bộ GD-ĐT đã đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, làm thế nào để tuyển đúng người, đúng việc, đáp ứng yêu cầu đề ra mới là câu chuyện đáng bàn. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng thốt lên rằng: Ngành GD nắm tất cả trừ 2 thứ: giáo viên và tài chính. Vậy, nên chăng cần có 1 khoán 10 trong tuyển dụng giáo viên để gỡ khó cho cả Bộ, cơ sở đào tạo và nhà giáo? Ban Giáo dục mở diễn đàn “Tuyển dụng giáo viên: Cần có một khoán 10”. Mời bạn đọc gửi ý kiến về [email protected]. Xin cảm ơn! |