Khảo sát của PV VietNamNet nhiều ngày qua cho thấy, tại các kho, bãi giữ xe vi phạm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang có hàng nghìn phương tiện các loại nằm chất đống, chưa được xử lý.
Thủ tục thanh lý phương tiện còn rườm rà
Con số trên được bổ sung hằng ngày với lượng lớn các xe vi phạm mới bị tạm giữ. Cơ quan công an địa phương đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để bảo quản phương tiện nhưng không xuể. Lượng xe máy, xe đạp và cả ô tô bị tạm giữ thời gian gần đây tăng đột biến, đặc biệt là kể từ khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý nồng độ cồn.
Xe vi phạm chất đống theo thời gian bị hư hỏng, gỉ sét nhiều. Có nơi cỏ mọc, cây phủ lên kín hết cả đống phương tiện.
Cụ thể, tại kho tạm giữ xe vi phạm của Công an tỉnh và Công an TP Thái Nguyên (tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên), có rất nhiều phương tiện chưa được xử lý.
Kho tạm giữ này do Công an tỉnh và TP Thái Nguyên ký hợp đồng thuê Công ty TNHH ô tô Hoàng Hải trông giữ. Ngoài số xe được bảo quản trong nhà lợp mái tôn, còn không ít xe để phơi ngoài trời và đang dần hỏng hóc, có nhiều phương tiện đã cũ nát, hoen gỉ.
Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Thái Nguyên) cho biết, khó khăn khi thực hiện công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính là lượng xe bổ sung hằng ngày khá nhiều, cùng với số lượng lớn xe tồn do chủ phương tiện không đến nhận.
Cùng với đó, quá trình thanh lý các phương tiện để sung công quỹ Nhà nước phải qua nhiều thủ tục, cần nhiều cơ quan thẩm định để có thể đấu giá nên mất nhiều thời gian.
Chưa kể, hầu hết phương tiện quá niên hạn đều quá cũ, thậm chí đã bị cà lại số khung, số máy và xe mua đi bán lại nhiều lần nên việc xác định chủ sở hữu khó khăn.
“Thực trạng số lượng xe bị tạm giữ, tịch thu rất lớn đã và đang khiến các kho bãi trông giữ trên địa bàn tỉnh bị quá tải, gây khó khăn cho công tác bảo quản”, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Thái Nguyên cho biết.
Đại diện Công ty TNHH ô tô Hoàng Hải chia sẻ, đơn vị có đầy đủ điều kiện về kho bãi, bảo đảm phòng cháy chữa cháy, chịu trách nhiệm trước tài sản của chủ xe.
“Mỗi năm chúng tôi đều tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy. Để đảm bảo an toàn, các phương tiện vào bãi đều được tháo bỏ xăng; nhiều biển cảnh báo ‘cấm lửa’ được cắm trong bãi xe. Tuy nhiên, chúng vẫn rất lo vì thời tiết nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn nhất là với các đơn vị trông giữ phương tiện vi phạm kiểu này”, đại diện bãi xe nói.
Được biết, giai đoạn 2019-2022, tại bãi xe của Công ty TNHH ô tô Hoàng Hải, cơ quan chức năng đã thanh lý hơn 1.360 xe.
Theo vị đại diện trên, việc tồn lượng lớn phương tiện ở kho bãi hiện nay ngoài nguyên nhân do mức phạt cao so với trị giá xe, thì quy trình phát mãi, thanh lý số phương tiện không có người đến nhận hoặc không xác định được chủ cần nhiều thủ tục, tốn thời gian. Do đó, đến khi bán được thì xe cũng bị hư hỏng nhiều.
Nguy cơ cháy cao, thiệt hại lớn
Xe tang vật, xe vi phạm luật giao thông nhiều năm không có người tới nhận, trong khi đó, diện tích, điều kiện bảo quản tại các bãi trông giữ có hạn.
Phó Giám đốc Công ty Cổ phần bến xe Cẩm Phả Nguyễn Trung Mà (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, đơn vị ký hợp đồng với Công an TP Cẩm Phả từ năm 2018.
Thời điểm đó chỉ có khoảng 300 xe, đến nay đã hơn 1.500 phương tiện. Ông Mà thừa nhận, bãi tập kết xe vi phạm hiện có tình trạng quá tải. Bãi có khu vực nhà mái tôn che cho khoảng 700 phương tiện. Tuy nhiên, do mỗi ngày tiếp nhận quá nhiều nên giờ đã chật chỗ; có khoảng 700 xe phải để ngoài trời, phơi mưa, phơi nắng.
Cũng theo ông Mà, phần lớn phương tiện tại đây tồn đọng từ thời điểm năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát. Về công tác PCCC, công ty thường xuyên làm việc với lực lượng cứu hỏa. Tại bãi tập kết cũng có đầy đủ bơm cứu hoả, bình xịt chữa cháy hay cát dùng để dập lửa.
Để đảm bảo công tác an toàn trong PCCC, ông Mà nhiều lần đề nghị lực lượng CSGT trước khi đưa xe vào bãi tập kết thì nên rút xăng. Trung bình mỗi ngày bãi tập kết này tiếp nhận khoảng 40 xe.
Ông Mà kiến nghị cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc xử lý phương tiện vi phạm. Ví dụ, sau khi phương tiện bị tạm giữ, trong khoảng thời gian ngắn chủ xe phải tới nhận về. Nếu quá thời gian cho phép thì xe sẽ bị tịch thu và sung công quỹ. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng cần chú tâm hơn trong việc xử lý phương tiện chứ không nên để mãi trong bãi tập kết.
"Nếu xảy ra cháy thì chỉ là sự cố khách quan chứ không ai dám vào đây để phóng hỏa. Nếu xảy ra chuyện như vậy thì phải đền cho người dân, đây cũng là việc khó trong vấn đề quản lý phương tiện bị tạm giữ sau vi phạm", ông Mà nói.
Tại TP Hải Phòng, Hải Dương, tình trạng quá tải phương tiện vi phạm bị tạm giữ cũng diễn ra tương tự, buộc cơ quan chức năng phải vất vả tìm phương án bảo quản, trông coi. Việc thanh lý xe quá thời hạn giải quyết đang rất bất cập. Nhiều phương tiện giá trị hàng chục triệu đồng, sau nhiều năm tạm giữ, lúc được thanh lý thì giá chỉ nhỉnh hơn bán sắt vụn.