Từ khi sinh ra, bé Hoàng Đình Tâm, 7 tuổi ở Hà Nội đã có vết trắng loang lổ trên trán, càng lớn, vùng da khác màu càng rõ và to tới 20 cm. Bác sĩ chẩn đoán bé bị bạch biến.

Suốt 3 năm qua, bố mẹ bé đã đưa con trai đến BV Da liễu Trung ương điều trị nhiều lần bằng ánh sáng, bôi thuốc nhưng đều không hiệu quả.

Mới đây, bé được ghép tế bào thượng bì tự thân, sau hơn 2 tháng, vùng da trên trán đã bắt đầu đều màu trở lại.

BS Hoàng Văn Tâm, Phó Trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, BV Da liễu Trung ương cho biết, bé Tâm chỉ là 1 trong số gần 100 bệnh nhân bạch biến được điều trị bằng phương pháp mới. Bệnh nhân già nhất ghép tế bào thượng bì đã gần 70 tuổi.

{keywords}

Một bệnh nhi được ghép tế bào thượng bì tự thân sau 2 tháng đã có nhiều tiến triển.

 

Sau 3 tháng triển khai, tỉ lệ thành công khi ghép tế bào thượng bì tự thân lên tới 70-80% và chi phí chỉ tử 25-30 triệu đồng, rẻ bằng 1/10 so với thực hiện tại Singapore.

BS Tâm nhấn mạnh, phương pháp này chỉ áp dụng với bệnh nhân bạch biến ổn định ít nhất 1 năm, trong khoảng thời gian này không xuất hiện tổn thương mới hoặc tổn thương cũ không lan rộng. Bệnh nhân không có tiền sử sẹo lồi do chấn thương.

Để điều tị, bác sĩ sẽ lấy tế bào thượng bì của tế bào hắc tố, tế bào gai… tại các vị trí như hông, đùi với tỉ lệ 1/5, tức vùng bạch biến là 10cm2 thì vùng cần lấy tế bào là 2cm2. Nếu tổn thương rộng tỉ lệ này có thể là 1/10.

Sau đó miếng da này sẽ được đưa vào dung dịch đặc biệt, qua các công đoạn để tách lấy tế bào thượng bì, nuôi dưỡng, đếm tế bào, sau đó sẽ ghép vào vùng da bị bạch biến (vùng da này sẽ được bào mòn bằng tay hoặc dùng laser).

Thời gian thực hiện ghép cho mỗi bệnh nhân từ 2-4 tiếng. Nếu vùng bạch biến nhỏ, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ, nếu bệnh nhân là trẻ em hoặc tổn thương rộng, bác sĩ sẽ thực hiện gây mê.

Vùng da sau ghép sẽ được cố định bằng gạc, 1 tuần sau sẽ được tháo. Sau điều trị, bệnh nhân có thể hoạt động và làm việc bình thường, không đau đớn.

“Sau khoảng 1-2 tháng, bệnh nhân sẽ nhận thấy thay đổi và kết quả tối đa sau 6-12 tháng”, BS Tâm thông tin.

Theo BS Tâm, đây là phương pháp khá an toàn, ít tác dụng phụ, biến chứng hay gặp nhất là tăng sắc tố, nhiễm khuẩn, sẹo lồi… Do đó, việc lựa chọn bệnh nhân phải rất chặt chẽ, vùng da lớn nhất có thể thực hiện ghép có thể lên tới 300cm2.

Thông thường, bệnh nhân chỉ cần ghép 1 lần, tuy nhiên nếu rơi vào 20% bị tái phát, bệnh nhân có thể phải ghép nhiều hơn 1 lần.

BS Tâm chia sẻ, hiện nhiều nước phát triển đã áp dụng kĩ thuật này trong điều trị bạch biến, song đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai.

Trước đây, để điều trị bạch biến, bệnh nhân sẽ phải dùng liệu pháp ánh sáng trị liệu như chiếu tia cực tím, laser excimer… kết hợp dùng thuốc song hiệu quả không được như mong muốn.

Bạch biến là một loại bệnh da liễu thường gặp mà trong đó các tế bào sắc tố da bị phá hủy từ đó làm thay đổi màu da. Bệnh biểu hiện bởi những dát, mảng giảm sắc tố so với vùng da xung quanh, không ngứa, không đóng vảy, giới hạn rõ.

Đây là bệnh lành tính, không lây khiến người bệnh mất tự tin, trầm cảm. Tỉ lệ mắc bạch biến chiếm khoảng 1% dân số, liên quan đến yếu tố miễn dịch, di truyền.

Bạch biến gồm 2 thể chính là khu trú và lan toả. Trong thể khu trú, bạch biến thường từng điểm, biến đoạn, với thể lan toàn, bạch biến có thể xuất hiện toàn thân.

* Tên bệnh nhi đã được thay đổi.

Thúy Hạnh

Bác sĩ Trung Quốc đổi màu da vì Covid-19 qua đời

Bác sĩ Trung Quốc đổi màu da vì Covid-19 qua đời

Ngày 2/6, Hu Weifeng, một trong hai bác sĩ bị đổi màu da do nhiễm virus nCoV, đã mất sau hơn 4 tháng điều trị.