Nghiệm thu và bàn giao hệ thống Camera Câu lạc bộ nông dân tự quản

Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh Phú Yên vừa tổ chức nghiệm thu và bàn giao hệ thống Camera Câu lạc bộ nông dân tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn các xã Hòa Xuân Đông, thị xã Đông Hòa; Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu; Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa; Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa. 

NTMcamera

Thông qua việc lắp đặt camera giám sát đảm bảo ANTT trên địa bàn, các xã đã huy động được sức mạnh toàn dân, phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tội phạm; nhằm kịp thời phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm, không để phát sinh vụ việc phức tạp; Phát huy và nâng cao trách nhiệm lãnh, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, hướng dẫn của cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể trong công tác thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở khu dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp, hộ dân.

Từ hiệu quả và tính thiết thực của mô hình, việc thực hiện gắn camera giám sát nhanh chóng lan rộng đến các thôn. Đến nay, đã thực hiện gắn 14 camera và 02 đầu thu trên địa bàn các xã.

Mô hình này được triển khai với mục đích nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội trên địa bàn, đồng thời góp phần hoàn thành tiêu chí số 19 về Quốc phòng và An ninh trong xây dựng nông thôn mới.

Hoà Đồng thí điểm xây dựng NTM thông minh

Theo Kế hoạch xây dựng Mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh trên địa bàn xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, việc xây dựng mô hình xã điểm NTM thông minh gồm 5 nhóm nội dung và 13 chỉ tiêu. Cụ thể, nhóm chính quyền điện tử định hướng chính quyền số: Có dịch vụ công trực tuyến toàn trình; có dữ liệu phần mềm về đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công/công tác hỗ trợ, điều hành của chính quyền; có phổ biến thông tin (pháp luật, thông báo, hướng dẫn,...) đến tận điện thoại của người dân; dữ liệu hệ thống trung tâm điều hành thông minh, cấp xã có thể chia sẻ/kết nối dữ liệu với các địa phương và với cấp quản lý chính quyền cao hơn; thông tin liên lạc của tất cả cán bộ chính quyền được công khai cho người dân; có xây dựng nhóm hành động địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi số.

Nhóm hạ tầng số (hạ tầng kết nối internet, hạ tầng dữ liệu): Tỷ lệ đáp ứng đường thuê bao kết nối internet trên số hộ dân của xã đạt 95%; 95% hộ gia đình trong phạm vi của xã được phủ sóng mạng di động (4G/5G); có mạng wifi miễn phí ở các điểm công cộng (khu vực trung tâm xã, nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm du lịch cộng đồng,...).

Nhóm dịch vụ nông thôn số: Trung tâm thông tin xã; có hệ thống quản lý thông tin dữ liệu kinh tế-xã hội của xã; có dịch vụ thương mại số và thông tin điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp; có mô hình HTX ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, có sự tham gia của người dân; có sản phẩm chủ lực được kinh doanh trên các mạng xã hội, các nền tảng thương mại điện tử; 50% hộ dân sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến (điện, nước, môi trường, học phí, hành chính công,...); 50% số cơ sở kinh doanh dịch vụ (có ĐKKD) ứng dụng giải pháp thanh toán trực tuyến; thiết lập đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

Nhóm quản lý môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (môi trường nông thôn): 90% hộ dân trên địa bàn xã thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Nhóm đảm bảo an ninh, trật tự xã hội: Có hệ thống camera giám sát an ninh kết hợp ứng dụng phần mềm hỗ trợ giám sát thông minh; có ứng dụng tương tác và xử lý phản ánh về an ninh trật tự của người dân cho chính quyền xã.

Hoà Đồng phấn đấu đến năm 2025, xây dựng thành công mô hình thí điểm xã NTM thông minh tại địa phương này.