Thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích như minh bạch các giao dịch, chống thất thu thuế, bảo đảm an toàn, giúp kiểm soát, phát hiện các thanh toán phạm pháp… Chính vì thế, nhiều địa phương ở Phú Yên kêu gọi và khuyến khích người dân tăng sử dụng việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Mới đây, UBND huyện Sơn Hòa kêu gọi người dân tích cực hưởng ứng và nhân rộng việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trung tâm, chợ có lưu lượng khách hàng thường xuyên. Theo đó, các giao dịch được khuyến khích thực hiện qua các kênh điện tử như: internet banking, mobile banking, quét mã QRcode…
Việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống là một trong những mô hình thực hiện chuyển đổi số do Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, các ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp viễn thông trong tỉnh triển khai.
Theo đó, từ tháng 10/2022, mô hình thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai thí điểm cho một số tiểu thương bán cố định tại chợ Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa). Sau thời gian triển khai, mô hình này bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực về chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, thuận tiện cho người dân; giúp cho tiểu thương và khách hàng thanh toán các giao dịch tiện lợi và nhanh chóng. Bên cạnh đó, với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng tạo điều kiện cho người dùng tiếp cận phương thức thanh toán hiện đại, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, mua bán.
Không chỉ kêu gọi người dân tăng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt ở chợ, mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cũng vừa giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt năm 2023 cho các đơn vị. Theo đó, đối với việc chi trả chế độ BHXH một lần, tỉ lệ giao bình quân cho các đơn vị là 87,44% và chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp đạt tỉ lệ 99% trên toàn tỉnh.
Để đạt chỉ tiêu đề ra, BHXH tỉnh yêu cầu giám đốc BHXH các địa phương phối hợp với bưu điện, ngân hàng và các đơn vị có liên quan trên địa bàn tuyên truyền, vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, 8 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh giao dịch thanh toán trên địa bàn tỉnh đạt 255.096 tỉ đồng, với gần 27,6 triệu lượt giao dịch.
Trong tháng 9/2023, tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt theo các kênh giao dịch thanh toán ước đạt 34.000 tỉ đồng, với 3,9 triệu lượt giao dịch. Điều này cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt đã dần khẳng định được ưu điểm và lợi thế.
Việc thực hiện các giao dịch qua các kênh điện tử như internet banking, mobile banking, mã Qrcode… ngày càng được khách hàng tin dùng và sử dụng nhiều hơn đáp ứng được nhu cầu dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mạng lưới ATM/POS. Đến tháng 9/2023, số máy ATM hoạt động trên địa bàn là 137 máy, tăng 8 máy ATM so với cuối năm 2022 và số lượng máy POS là 640 máy, góp phần giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán của ngân hàng.