Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị Trung ương 11, dự kiến tỉnh Đắk Lắk hợp nhất với tỉnh Phú Yên và lấy tên là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay. 

Đắk Lắk là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, trung tâm hành chính hiện nay đặt tại TP Buôn Ma Thuột. Còn Phú Yên là tỉnh ven biển nằm ở trung tâm khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, cơ quan hành chính đặt tại TP Tuy Hòa.

Với việc dự kiến 2 tỉnh sẽ "về chung một nhà", người dân đi từ tỉnh Đắk Lắk đến tỉnh Phú Yên sẽ có một số lựa chọn về cung đường di chuyển. Trong đó, quốc lộ 29 là một trong những lựa chọn hàng đầu.

z6507940249243 cfbd3a32b5a4493781ff58736492b4e7 94138.jpg
Quốc lộ 29 xuyên rừng Ea Sô nối Đắk Lắk với Phú Yên. Ảnh: TĐ

Tỉnh Đắk Lắk vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 29 tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng. Đây là con đường huyết mạch, ngắn nhất để kết nối, giao thương hàng hóa giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên.

Quốc lộ 29 là tuyến mới, được nâng cấp trên cơ sở tỉnh lộ 645 ở Phú Yên và 691 ở Đắk Lắk. Hiện tại, đường có tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, gồm 2 làn xe, rộng 5,4m mặt đường, và 7,5m nền đường.

Dự kiến quy mô nâng cấp quốc lộ 29 thành đường cấp 3, nền đường rộng 20,5m, với 4 làn xe, vận tốc 60- 80km/giờ. Quốc lộ 29 có tổng chiều dài 182,5km đi qua thị xã Đông Hòa, huyện Tây Hòa, Sông Hinh (Phú Yên) và Krông Năng, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk).

Đoạn trên địa phận Phú Yên dài 109km, đoạn ở Đắk Lắk dài 73,5km. Điểm đầu tuyến là cảng Vũng Rô, điểm cuối tuyến là nút giao với quốc lộ 14 tại thị xã Buôn Hồ. Đáng chú ý, quốc lộ 29 là tuyến đường nối trực tiếp từ tỉnh Đắk Lắk với Phú Yên và sẽ xuyên qua Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. 

Người dân tại trung tâm TP Buôn Ma Thuột khi xuống Phú Yên sẽ đi qua những cánh rừng nguyên sinh của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô xuống biển Tuy Hòa với tổng chiều dài quãng đường gần 200km (nếu di chuyển theo quốc lộ 26). Riêng đoạn xuyên rừng Ea Sô có chiều dài 40km. Sau khi hết rừng Ea Sô sẽ đến khu vực huyện Sông Hinh, Tây Hòa, Đông Hòa rồi chạy thẳng ra biển Tuy Hòa. Thời gian sẽ mất hơn 4 tiếng đồng hồ.

Ngoài ra, người dân có thể đi theo 2 cung đường xuống Phú Yên, thứ nhất theo hướng thị xã Buôn Hồ, sau đó đi qua huyện Krông Năng vào rừng Ea Sô xuống Phú Yên. Hướng thứ 2 sẽ theo quốc lộ 26, đến km62 rồi đi qua các xã Ea Sô, Ea Sar của huyện Ea Kar sau đó vào rừng Ea Sô xuống Phú Yên.

Quãng đường mà người dân TP Buôn Ma Thuột đi TP Tuy Hòa, Phú Yên sẽ gần ngang bằng với quãng đường đi tắm biển Nha Trang.

Được biết, hiện tại tỉnh Đắk Lắk đã lên phương án sắp xếp phương tiện đi lại cho 1.000 lãnh đạo, cán bộ của Phú Yên lên làm việc sau sáp nhập và sẽ đi theo quốc lộ 29.

z6503361973476 ce71c99f48f06b25ba14f8923e28a4c8 70310.jpg
 Đắk Lắk và Phú Yên sáp nhập hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm kinh kết kết nối biển rừng. Ảnh: Hải Dương

Nhiều lợi thế sau sáp nhập 

Việc sáp nhập 2 tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên có rất nhiều lợi thế để kết nối giữa rừng với biển. Đây là mảnh ghép hoàn hảo báo hiệu một trung tâm kinh tế lớn trong tương lai và được cán bộ, người dân 2 địa phương đồng tình ủng hộ.

Cụ thể, việc sáp nhập Đắk Lắk và Phú Yên sẽ tăng cường tiềm lực, quy mô nền kinh tế, từ đó có điều kiện để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn... Ngoài ra, sự kết hợp giữa thế mạnh nông nghiệp của Đắk Lắk và thế mạnh kinh tế biển của Phú Yên tạo ra sự bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy phát triển.

Việc mở rộng không gian phát triển ra biển nhằm tối ưu và khai thác được các tiềm năng, thế mạnh về hạ tầng, vận tải, logistics, tạo sự thông thương lớn hơn giữa Đắk Lắk và Phú Yên.

z6506125704490 4a4bbd47a02e0d753d6aeebf13656b7b 41934.jpg
Sông Ba chảy qua cầu Đà Rằng, niềm tự hào của người dân Phú Yên. Ảnh: Hải Dương

Việc sáp nhập Đắk Lắk và Phú Yên sẽ tăng cường liên kết vùng, tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác và phát triển chung. Việc tạo ra một tỉnh mới có rừng, có biển từ 2 tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên có thể tạo động lực mạnh mẽ cho cảng biển, du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ... phát triển theo hướng liên kết, khắc phục tình trạng mỗi địa phương phát triển một cách riêng lẻ.

Việc sáp nhập 2 tỉnh nêu trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và phát triển các ngành kinh tế hiện có, cũng như mới nổi của 2 tỉnh như vận tải đường biển, đường hàng không, đường sắt, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, cơ khí chế tạo, chế biến sâu, nuôi trồng nông lâm, thủy hải sản.

Ngoài ra, việc sáp nhập Đắk Lắk với Phú Yên sẽ tăng cường năng lực và khả năng phòng thủ cho tỉnh mới ở cả hai hướng trọng điểm là hướng biển và hướng biên giới, tạo ra chiều sâu phòng thủ ở cả 2 hướng.