Phú Yên có đường bờ biển dài 189km với hơn 21.000ha diện tích mặt nước đầm, bãi triều, cửa sông. Đây là điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản.
Thực hiện các quy định trong Luật Thủy sản năm 2017, từ nhiều năm nay, tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác vùng ven bờ chuyển sang đánh bắt xa bờ và nuôi trồng thủy sản.
Tỉnh chú trọng nuôi biển các loài có giá trị kinh tế cao như rong tảo biển, cá, tôm, nhuyễn thể; Phát triển nuôi vùng trên bờ tại các đầm vịnh như đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, sông Bàn Thạch… Nhờ nhiều chính sách hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, nuôi biển theo hướng diện đại hóa sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, chịu được sức ép của thời tiết. Tỉnh đã tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, vật liệu làm lồng, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất. Nhờ đó, ngành nuôi trồng thủy sản tại Phú Yên liên tục tăng theo các năm.
Theo Cục thống kê tỉnh Phú Yên, trong 11 tháng năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản các loại ước tính 2.669 ha, tăng 0,4%, trong đó: Diện tích nuôi cá 232 ha, tăng 0,5%; diện tích nuôi tôm 2.170 ha, tăng 0,4% (tôm sú 260ha, giảm 0,2%; thẻ chân trắng 1.910 ha, tăng 0,4); thủy sản khác 264 ha, tăng 0,2%so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng, sản lượng thủy sản ước tính 79.894 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá 58.008 tấn, tăng 1,7%; tôm 15.047 tấn, tăng 3,2%; thủy sản khác 6.839 tấn, tăng 9,3%.
Trong đó, sản lượng thuỷ sản khai thác 62.836 tấn, tăng 2,3%, riêng cá ngừ đại dương 2.975 tấn, chiếm 5,3% và giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 17.058 tấn, tăng 3,8%.
Bên cạnh chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nuôi trồng thủy sản, Phú Yên cũng quy hoạch lại khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Từ năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch khai thác thủy sản vùng ven biển của tỉnh. Phú Yên đưa ra mục tiêu giảm cường độ khai thác ven bờ, giảm số tàu có công suất máy dưới 90CV, đặc biệt đội tàu dưới 20CV và những nghề có tính chọn lọc kém, khai thác hủy diệt, tận thu, bất hợp pháp, kém hiệu quả ở vùng ven biển. Tỉnh cũng có chính sách chuyển đổi nghề khai thác cho một bộ phận ngư dân sang làm nuôi biển, chế biến và du lịch. Mục tiêu của tỉnh là phát triển ngành thủy sản đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh.
Đến năm 2025, Phú Yên cắt giảm số thuyền và lao động trong ngành khai thác hải sản. Mục tiêu tăng đội tàu công suất lớn, giảm tàu công suất nhỏ. Các phương tiện đánh bắt giữ ổn định khoảng 4.100 chiếc, trong đó: tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên là 1.700 chiếc, tàu thuyền có công suất 20-90CV là 600 chiếc, tàu thuyền có công suất dưới 20CV là 1.800 chiếc.
Đội tàu dịch vụ hậu cần, thu mua trên biển là 80 chiếc. Sản lượng khai thác thuỷ sản đạt khoảng 56.000 tấn, giảm sản lượng ven bờ xuống 1%/năm. Giải quyết việc làm cho khoảng 29.000 lao động đánh cá, lao động đánh cá ven bờ khoảng 5.500 người (giảm 1,7%/năm).
Về cơ cấu nghề khai thác hải sản, Phú Yên đầu tư đóng mới, nâng cấp, cải hoán khoảng 717 tàu cá có công suất. Cắt giảm và chuyển đổi khoảng 306 tàu thuyền làm nghề lưới kéo, lưới vó, mành, nghề lưới rê ven bờ và nghề khác sang một số nghề có hiệu quả, có tiềm năng, thân thiện với môi trường như nghề lưới vây kết hợp ánh sáng, lưới rê khơi, câu, chụp mực, lồng bẫy và một số nghề khác như dịch vụ thu mua, chế biến, nuôi trồng thủy sản.
Theo kế hoạch, việc bố trí việc làm sau chuyển nghề cho ngư dân sẽ tùy thuộc vào tình hình của các địa phương. Ví dụ, các xã vùng cửa sông phát triển khai thác thủy sản, khuyến khích cải hoán tàu và chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nghề khai thác xa bờ. Các xã vùng bãi ngang duy trì những nghề khai thác có tính chọn lọc cao, không gây xâm hại nguồn lợi thủy sản, khuyến khích chuyển sang nghề nuôi thuỷ sản hoặc mô hình trang trại tổng hợp. Các xã dựa vào tình hình thực tế để chuyển đổi nghề cho ngư dân sau khi “lên bờ”.