PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội) là hậu duệ dòng họ Nguyễn Lân nổi tiếng mà thiên hạ đã tường. Nhưng cây cao lại không hề núp bóng. Chàng trai đó nổi danh vì đã mang kỹ thuật can thiệp tim bẩm sinh của Việt Nam vươn ra tầm thế giới, khi hàng ngàn trái tim được giữ lại với cuộc đời này nhờ đôi bàn tay “phù thủy” của anh. Và còn một chuyện khác ít ai biết…

{keywords}

Bác sĩ Hiếu và đồng nghiệp hội chẩn trước ca can thiệp


Vượt Trường Sơn khi còn trong… bụng mẹ

Trong hồi tưởng của PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, mùa xuân năm 1972 luôn trở về rõ nét bởi ngày đó khi đang là bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thì bà nhận được lệnh vào chiến trường Quảng Trị làm nhiệm vụ.

Thời điểm đó, Hiếu phát hiện mình có thai. Nhưng với tinh thần thép, bác sĩ Hiếu bàn với gia đình và quyết định vào chiến trường khốc liệt với sinh linh bé nhỏ đang mỗi ngày lớn dần trong bụng. Bà biết, nếu không đi lần này thì sau này sẽ không có cơ hội thứ hai để vào chiến tuyến.

Bác sĩ Hiếu phải khoác trên mình ba lô nặng đựng quần áo, thực phẩm, vai đeo súng. Mỗi ngày vượt một quả núi, nhiều khi dốc núi thẳng đứng phải có đồng đội giúp đỡ mới đẩy lên được. Hàng tháng trời như thế, vào đến chiến trường Quảng Trị khốc liệt cũng là lúc các bác sĩ trong đoàn phát hiện ra bác sĩ Hiếu mang bầu, vì khi đó bụng bà đã lộ rõ.

Tháng 6/1972, khi cái thai trong bụng đã sang đến tháng thứ 7, bà được lệnh đưa cán bộ hành quân ra Bắc và hạ sinh cậu con trai Nguyễn Lân Hiếu sau đó 2 tháng. Thấy con được sinh ra với hình hài đầy đủ, khỏe mạnh, người mẹ mừng rơi nước mắt, bởi hơn ai hết bà lo sợ thời gian ở chiến trường bà và đồng đội thường xuyên dùng nước suối, rau rừng ở đúng vùng đất quân đội Mỹ rải chất độc da cam.

Sinh ra trong gia đình danh giá, là con trai của GS Nguyễn Lân Dũng, có ông nội và các chú, bác đều là những người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, từ nhỏ Nguyễn Lân Hiếu đã bộc lộ tố chất thông minh, cần cù. Thế nhưng, ước mơ ban đầu của cậu lại là trở thành họa sĩ. Hiếu từng say sưa với những nét vẽ và cây cọ, những mảng màu sáng tối mê hoặc. Nhưng đến một ngày định mệnh, cậu đã chọn cho mình một ngã rẽ khác.

Năm 17 tuổi, Hiếu chứng kiến bà ngoại mình đau đớn vì bệnh ung thư phổi. Những cơn đau của bà như xé gan ruột đứa cháu ngoại. Anh quyết định sẽ theo ngành y, theo con đường mà mẹ anh đi suốt thời thanh xuân, không ngần ngại đánh đổi cuộc sống bình yên để chọn cho mình một lý tưởng sống.

Bác sĩ Nguyễn Thế Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội, người gắn bó với Hiếu suốt những năm đại học nhắc đến cậu bạn thân bằng sự nể phục bởi nỗ lực không ngừng nghỉ của anh. Dù được sinh ra trong gia đình có điều kiện nhưng Hiếu không hề ỷ lại, miệt mài nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật cho đồng nghiệp, tận tâm với bệnh nhân.

{keywords}

Bác sĩ Hiếu khám bệnh từ thiện cho trẻ vùng cao.

Vươn tầm thế giới

Bác sĩ Hiếu đã có những sáng tạo trong can thiệp tim bẩm sinh bằng cách cải tiến dụng cụ để đạt mức độ ưu việt lớn nhất với người bệnh. Những dụng cụ của anh được đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao và làm theo. Bác sĩ Hiếu tự tin cho rằng, Việt Nam không bị chậm so với thế giới. Số lượng bệnh nhân được can thiệp hiện đang đứng đầu trong số các nước Ðông Nam Á.

Danh tiếng của anh khiến nhiều đồng nghiệp đến từ các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới ngưỡng mộ. Tại nhiều cuộc hội thảo quốc tế, bác sĩ Hiếu cung cấp cho các đồng nghiệp nước ngoài những kinh nghiệm, kiến thức mà anh thu nhận được về chuyên ngành tim bẩm sinh và tim cấu trúc. Anh luôn tin chắc một điều: “Các bác sĩ Việt Nam không những có khả năng hòa nhập với sự phát triển của y học thế giới mà còn có thể tìm ra hướng đi mới, đóng góp cho sự phát triển của Tim mạch học thế giới nói chung và Tim bẩm sinh học nói riêng”.

Với cương vị là chuyên gia tim mạch của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bác sĩ Hiếu cũng có điều kiện giảng dạy và trực tiếp điều trị tại các nước khác nhau với các hệ thống y tế rất khác biệt. Anh chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi đặt chân lên Ấn Ðộ là năm 2006.

Ấn tượng lớn nhất của tôi sau chuyến đi không phải là những tòa nhà uy nghi hay đền Taj Mahal tráng lệ mà là những ánh mắt thật to tròn nhìn chúng tôi không chớp, là những bà mẹ tắm cho con ở những vũng nước mưa dưới chân gầm cầu cao tốc.

Tôi tự hứa với mình là phải quay trở lại đây, làm gì cho những đôi mắt hy vọng ấy. Và 10 năm qua tôi đã đến Ấn Ðộ hơn 20 lần với hơn 10 thành phố và hàng chục bệnh viện. Ðược chứng kiến sự thay đổi của đất nước hơn 1 tỷ dân trong những năm vừa qua. Có những thay đổi khiến tôi rất hạnh phúc như những bác sĩ tôi hướng dẫn đã trở thành các chuyên gia với số lượng can thiệp nhiều nhất Ấn Ðộ, tất nhiên là hơn số ca của tôi nhiều lần”.

{keywords}

Bác sĩ Hiếu và trẻ vùng cao trong một lần đi khám từ thiện.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng phòng Thanh tra (Ðại học Y Hà Nội) chia sẻ: “TS Hiếu đặc biệt trăn trở tìm hướng cải cách giáo dục y tế để bác sĩ Việt Nam có thể được đào tạo bài bản, chuyên sâu như Mỹ, Pháp. Hiếu đi nhiều nước, có nhiều mối quan hệ nên nắm bắt được xu hướng đào tạo, nhiệt tình trong việc tìm hướng đổi mới giáo dục y tế”.

Về vấn đề này, TS Hiếu cho rằng muốn bác sĩ phải thật giỏi nên cần tổ chức kỳ thi chung tốt nghiệp bác sĩ cấp quốc gia. Nếu đỗ mới được hành nghề. Giao cho các hội chuyên ngành cấp phép hành nghề để đánh giá được thực chất chuyên môn của từng bác sĩ thay vì để Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thẩm định như hiện nay.

Với vai trò là đại biểu Quốc hội khóa 14, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ: “Tôi có điều kiện để tiếp xúc với đông đảo đồng bào và đồng nghiệp trong cả nước, vì vậy có thể biết được nhiều nguyện vọng của người dân cũng như các đồng nghiệp để kịp thời kiến nghị và tìm ra những giải pháp thiết thực đề xuất lên Quốc hội và Chính phủ”...

Ðằng sau vẻ ngoài điềm đạm, hiền lành, ít nói là sự quyết đoán, tận tâm trước mọi khó khăn của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu. Có cảm giác những ngày trong bụng mẹ, cùng mẹ vượt qua bao gian khó cho Nguyễn Lân Hiếu có được bản lĩnh vững vàng trước mọi hoàn cảnh.

Cách anh đối đãi với bệnh nhân như chính người thân trong gia đình khiến đồng nghiệp và học trò nể phục. Lời anh nói “Mỗi lần cứu chữa được một bệnh nhân, hay làm việc từ thiện nào đó tôi đều cảm thấy thật thoải mái và rất hạnh phúc”, không chỉ là lời tâm sự, nó chính là con đường sống mà anh đã chọn, với mong muốn giữ lại cho cuộc đời này những nhịp đập an yên trong mỗi trái tim...

Năm 1999, kết thúc thời gian học tập ở Pháp về nước, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là một trong những người đầu tiên thực hiện can thiệp tim bẩm sinh ở Việt Nam. Anh cũng là người đã thành lập các đơn vị điều trị bệnh tim bẩm sinh tại nhiều bệnh viện như Bạch Mai, Ða khoa Thanh Hóa, Nghệ An, Ðà Nẵng. Bác sĩ Hiếu đã đón nhận nhiều bằng khen, giải thưởng trong nước và quốc tế cho những thành tựu và cống hiến trong lĩnh vực tim mạch.

(Theo Tiền Phong)