Phú Thọ là tỉnh có tổng đàn gia cầm khoảng 15,8 triệu con, đứng đầu các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc. Sau Tết Nguyên đán cũng là thời điểm các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tái đàn nên việc lưu thông và nhập giống gia cầm tăng cao. Do đó, nguy cơ lây nhiễm, xâm nhập dịch cúm gia cầm vào địa bàn là rất lớn. Trước tình hình này, các cấp, ngành, địa phương đã và đang chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

{keywords}
Các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh chủ động phòng dịch lây lan. Ảnh Bạch Hân

Trong khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì các ổ dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 đã xuất hiện ở các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và thành phố Hà Nội.

Phú Thọ là tỉnh tiếp giáp với thành phố Hà Nội nên có nguy cơ lây lan, bùng phát bệnh cúm gia cầm rất cao.

Ông Bùi Quang Hiệu ở khu 2, xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao) có đàn 20.000 con gà nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Qua kênh thông tin truyền thông, ông được biết một số tỉnh trong nước đã bùng phát ổ dịch cúm gia cầm nên chủ động phun vệ sinh phòng dịch, phun sát trùng trong chuồng trại, giữ gìn môi trường chăn nuôi thông thoáng.

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
 

Đồng thời tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi bằng cách bổ sung chất dinh dưỡng trong thức ăn và thực hiện giữ ấm chuồng bằng cách sử dụng đèn sưởi, dùng bạt che kín các cửa sổ. "Ngoài việc tiêm đầy đủ vắc xin cho gà khi đến tuổi, gia đình tôi đã mua thêm vắc xin phòng cúm A/H5N1 để tiêm”, ông nói. 

Bà Hoàng Thị Hiền ở khu Đông Thịnh, xã Cao Xá (huyện Lâm Thao) đang nuôi 600 con vịt thịt, nghe tin có bệnh cúm gia cầm, nguy cơ gia cầm lây nhiễm bệnh rất lớn, bà đã bán toàn bộ số vịt thịt, còn giữ lại 20 đôi vịt sinh sản để làm giống. Khi thời tiết ấm lên sẽ tiến hành tái đàn.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Lâm Thao thông tin: Huyện chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch cho đàn gia cầm như: Cấp hóa chất để phun tiêu độc khử trùng tại các chợ dân sinh, cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi khi phát hiện có gia cầm ốm chết phải báo ngay với thú y cơ sở để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm; tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy, bán tháo gia cầm.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thời tiết diễn biến phức tạp cùng với môi trường bị ô nhiễm làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh. Trong khi đó, nhận thức của người dân về việc mua con giống, chăn nuôi an toàn sinh học cũng như việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm còn thấp.

Tình trạng các điểm kinh doanh gia cầm sống đặt không đúng nơi quy định, giết mổ gia cầm ngay tại chợ dân sinh, trong khi công tác khử trùng tiêu độc môi trường tại chợ chưa được tiến hành thường xuyên dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Một số chủng cúm gia cầm có thể lây nhiễm sang người.

{keywords}
 

Ông Nguyễn Tất Thành - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho hay, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với vi rút cúm gia cầm, các ổ dịch mới phát sinh (nếu có), không để lây lan ra diện rộng và kịp thời thông báo cho ngành Y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm.

Tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc; gia cầm, sản phẩm làm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm nấu chín, không ăn tiết canh...

Với quyết tâm ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh cúm gia cầm, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành, thị triển khai thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người.

Tập trung hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm không được chủ quan lơ là mà cần thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch; áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi; củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, dự trữ thức ăn cho gia cầm.

UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Phùng Thủy - Ảnh Bạch Hân