Hợp tác xã hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025.
Xác định rõ tầm quan trọng của tiêu chí, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đổi mới hình thức sản xuất, hỗ trợ nông dân tham gia vào các hợp tác xã, tạo động lực giúp hợp tác xã phát triển bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Tính đến thời điểm tháng 11/2022, trên địa bàn tỉnh đã có 122/225 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 04/13 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó: có 170/225 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất. Các hợp tác xã hoạt động hiệu quả trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã đã và đang góp phần tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Năm 2021, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phát động phong trào thi đua “Hợp tác xã chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025” tới toàn thể đội ngũ cán bộ, thành viên, người lao động trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng đổi mới; diện mạo nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, văn minh; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Nhiều hợp tác xã đã vận động thành viên đóng góp cùng địa phương xây dựng đường giao thông nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng địa phương khang trang, hiện đại… Tuyên truyền để thành viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn về chủ trương, giải pháp, đồng thời hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phát triển thành viên, mở rộng quy mô hợp tác xã. Tăng cường đầu tư nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng sản xuất đảm bảo đủ điều kiện sẵn sàng tham gia vào các chuỗi liên kết, từng bước tiến tới đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Các hợp tác xã nông nghiệp đã tích cực thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh.
Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chế biến chè, rau an toàn... có nhãn mác, bao bì, vệ sinh an toàn thực phẩm và một số hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã đầu tư máy móc, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Tăng cường liên kết, hợp tác với các tổ chức kinh tế khác trong hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động trong hợp tác xã, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại địa phương.
Thời gian qua, các hợp tác xã đã phát huy vai trò ”bà đỡ” cho kinh tế hộ, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, đời sống của các thành viên và người lao động nâng lên, từng bước cải thiện kinh tế hộ thành viên, tích cực tham gia chương trình giảm nghèo của tỉnh.
Tính đến năm 2022, doanh thu bình quân ước đạt 2.932 triệu đồng/ hợp tác xã, tăng 310 triệu đồng/ hợp tác xã so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ tăng đạt 12,2%. Lợi nhuận bình quân ước đạt 196 triệu đồng/ hợp tác xã, tăng 17,3% so với năm 2021.
Hoạt động của các hợp tác xã đã tạo việc làm ổn định cho 5.067 thành viên, người lao động, với thu nhập bình quân đạt 04 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm thời vụ cho khoảng trên 52.000 lao động nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Bà Vũ Thị Minh Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ cho biết, khu vực kinh tế tập thể và hợp tác xã trong những năm qua, đặc biệt là năm 2022 có những khởi sắc và chuyển biến rõ nét.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 662 hợp tác xã và 946 tổ hợp tác. Trong số đó, hợp tác xã nông nghiệp chiếm hơn 60% vì xuất phát từ điểm đặc biệt của tỉnh Phú Thọ là nông nghiệp nông thôn là chính.
Khu vực kinh tế tập thể và hợp tác xã đã có nhiều đóng góp quan trọng trong khôi phục phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, đóng góp vào an ninh lương thực, ổn định sản xuất gắn với phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương như cây chè, cây bưởi, rau…
Khu vực kinh tế tập tế đã có 75 hợp tác xã có sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị. Trong đó các sản phẩm tham gia sâu vào chuỗi giá trị như sản phẩm mỳ gạo Hùng Lô, sản phẩm chè xanh, thịt chua Thanh Sơn Phú Thọ, rau an toàn Tứ Xã.
Tập trung xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, tạo lập, phát triển sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương (cây bưởi, cây chè, sản phẩm truyền thống làng nghề, sản phẩm tham gia Chương trình OCOP). Tính đến tháng 11/2022, có 33 hợp tác xã và 01 tổ hợp tác có 63 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó: có 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 48 sản phẩm đạt 3 sao; 01 sản phẩm Mì gạo Hùng Lô đang tiếp tục xây dựng để trình đề nghị công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
Giá trị hàng hóa từ các sản phẩm OCOP tăng lên từ 10 – 15%. Các sản phẩm sau khi được công nhận đã khẳng định được chất lượng giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần phát huy giá trị truyền thống, đặc trưng của tỉnh.
“Trong 139 sản phẩm OCOP của toàn tỉnh, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có 86 sản phẩm, chiếm xấp xỉ 60% tổng số sản phẩm OCOP được nhận 3 và 4 sao của tỉnh. Đây là sự ghi nhận, sự cố gắng nỗ lực của khu vực kinh tế tập thể và hợp tác xã và Liên minh là người bạn đồng hành, tư vấn, hỗ trợ và thúc đẩy, các hợp tác xã trong quá trình phát triển, xây dựng sản phẩm, khai thác thế mạnh, tiềm năng của tỉnh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội”, bà Tâm nói.
Liên minh Hợp tác xã xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ tập trung vào tư vấn, hỗ trợ cho khu vực địa bàn nông thôn là hình thành các liên kết, liên minh giữa hộ với hộ để thành lập các tổ hợp tác.
Đây là tổ chức tiền thân để vận động phát triển lên các mô hình hợp tác xã. Khi đã thành lập được mô hình tổ hợp tác lên hợp tác xã, Liên minh tiếp tục tư vấn các phương án tổ chức sản xuất kinh doanh theo kế hoạch, tạo ra các sản phẩm hàng hóa, hỗ trợ liên kết cho các thành viên, hỗ trợ tiếp nhận mua chung các sản phẩm nguyên liệu đầu vào.
Khi đã có sản phẩm hàng hóa đầu ra, các hợp tác xã tiếp tục được hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn hữu cơ, thực hiện truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu, truy xuất mã vạch, mã số để đảm bảo cho sản phẩm đủ điều kiện đưa ra thị trường.
“Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã không chỉ góp phần giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí 13 mà còn góp phần hoàn thành tiêu chí về thu nhập; tạo việc làm cho người lao động… trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”, bà Tâm khẳng định.