Phú Thọ đang ứng dụng phần mềm mới được Tập đoàn Bưu chính viễn thông xây dựng và triển khai. Hệ thống phần mềm được xây dựng, triển khai theo 4 cấp (Chính phủ, tỉnh, huyện, xã). Các cán bộ CNTT tham gia khóa học được hướng dẫn thực hành việc quản trị, sử dụng và các tính năng cơ bản của hệ thống như: Nhập, khai thác, tra cứu, xử lý các thủ tục hành chính trên hệ thống một cửa điện tử đối với từng sở, ban, ngành; cách thức xử lý các sự cố trong quá trình thực tế sử dụng hệ thống.

Để sớm triển khai hệ thống một cửa điện tử tích hợp các dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh, trong những năm 2015, Sở TT&TT tỉnh Phú thọ đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc đối với các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có việc triển khai hoàn thiện hạ tầng mạng nội bộ (LAN).

Việc triển khai hệ thống một cửa điện tử tích hợp các dịch vụ công trực tuyến trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh là một bước tiến mới trong tiến trình thực hiện Chính phủ điện tử của tỉnh Phú Thọ. Để triển khai tốt hệ thống, đòi hỏi các cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị trong tỉnh phải nắm rõ các tính năng của hệ thống để từ đó quản trị, sử dụng hệ thống một cách thành thạo và có thể khắc phục những sự cố cơ bản trong quá trình sử dụng hệ thống tại cơ quan, đơn vị mình.

Trong tiến trình thực hiện cải cách hành chính, tiến tới thực hiện chính phủ điện tử thì việc áp dụng hệ thống một cửa điện tử tích hợp các dịch vụ công trực tuyến là khâu quan trọng. Hệ thống một cửa điện tử tích hợp các dịch vụ công trực tuyến là việc ứng dụng CNTT vào thực hiện các giao dịch giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan hành chính nhà nước và giữa các cơ quan hành chính nhà nước theo cơ chế “một cửa liên thông”.

Thông qua hệ thống, các tổ chức, công dân, có thể chủ động thực hiện tra cứu thông tin về các thủ tục hành chính, tra cứu kết quả xử lý hồ sơ thông qua mạng internet; đồng thời giám sát, theo dõi quá trình thực hiện xử lý hồ sơ công việc đối với các cơ quan hành chính nhà nước.

Khi triển khai Chính phủ điện tử, bên cạnh việc nhà nước phải đầu tư hạ tầng và hệ thống CNTT để triển khai cung cấp dịch vụ công tới người dân và doanh nghiệp, thì việc người dân có đủ năng lực và phương tiện để truy cập vào mạng Internet sử dụng dịch vụ công hay chưa cũng là một vấn đề cần bàn đến.

Về mặt lý thuyết để tiến tới một Chính phủ điện tử, trước hết phải có công dân điện tử. Vì vậy, phải tìm hiểu xem người dân đặc biệt là ở các xã, phường, vùng sâu, vùng xa có biết dùng máy tính chưa, có được nối mạng Internet chưa, khi họ đủ phương tiện này rồi và có nhu cầu được cung cấp dịch vụ công điện tử thì hãy cung cấp Chính phủ điện tử cho dân. Có cầu rồi mới có cung, giải quyết được các vấn đề này thì mới tính tới một nền hành chính điện tử, Chính phủ điện tử được.

Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, nhà nước cần cân đối một nguồn kinh phí để đào tạo cho người dân sử dụng máy tính và Internet. Đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, ít nhất mỗi xã, phường phải đào tạo cho được một cán bộ biết sử dụng thành thạo máy tính và Internet, những người này sẽ tuyên truyền, hướng dẫn lại cho người dân sử dụng máy tính và Internet.

Theo ông Quang, ở thành phố, thị xã người dân có thể tiếp cận nhanh với máy tính và Internet, tới cấp huyện đã khó khăn, cấp xã lại càng khó hơn nữa. Người dân, nhất là dân nghèo không có điều kiện để sử dụng máy tính, chưa thể nói việc họ biết truy cập Internet. Do đó, khi người dân đến cơ quan chính quyền để sử dụng dịch vụ công, cần có cán bộ xã hướng dẫn cho họ.