Khó khăn bảo tồn làng nghề truyền thống

Theo ông Đỗ Ngọc Đoàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ: “Địa phương hiện có 71 làng nghề hoạt động ổn định, trong đó nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản chiếm chủ yếu với 58,7%, nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ chiếm 26,6%, còn lại là nhóm làng nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh, sản xuất vật liệu xây dựng.

Các làng nghề đã thu hút 6.837 hộ, 25 doanh nghiệp và 11 HTX tham gia hoạt động sản xuất, mang lại doanh thu khoảng 1.500 tỉ đồng/năm; tạo việc làm cho trên 16.700 lao động, trong đó có hơn 11.700 lao động thường xuyên. Tuy nhiên, số lượng các làng nghề đang dần mai một hoặc ngừng hoạt động do không còn đạt các tiêu chí công nhận làng nghề. Hiện Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các HTX làng nghề, qua đó đưa các sản phẩm truyền thống ra thị trường tiêu thụ, nếu không sẽ rất khó bảo tồn các làng nghề truyền thống còn lại”.

Cũng giống như các làng nghề truyền thống trên cả nước, nhiều làng nghề của Phú Thọ trước đây nổi tiếng cả nước nhưng nay hào quang chỉ còn là quá khứ. Một số làng nghề tiêu biểu của Phú Thọ có thể kể đến như: Làng nghề dệt thổ cẩm Chiềng xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn; Làng nghề nón lá Sai Nga, huyện Cẩm Khê; Làng nghề sơn Văn Lang, huyện Tam Nông; Làng nghề đan lát Ba Đông, huyện Thanh Thủy; Làng nghề nuôi và chế biến rắn Khuân Dậu, xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh; Làng nghề ủ ấm Sơn Vi, huyện Lâm Thao…

phu tho bao ton lang nghe.jpg
 Du khách thăm quan, trải nghiệm tại Làng nghề chế biến thực phẩm Đoàn Kết, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì.

Điều đáng nói, dù các sản phẩm từ các làng nghề vẫn giữ được mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng, thậm chí nhiều sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP. Thế nhưng, nhiều làng nghề vẫn đứng trước nguy cơ tan rã bởi nhiều nguyên nhân như: Thiếu nguồn nhân lực do lớp trẻ không còn mặn mà với nghề vì thu nhập thấp; hình thức tổ chức sản xuất ở các làng nghề chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, còn nhỏ lẻ, manh mún nên không tạo được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; Thiếu vốn cho sản xuất; Khó khăn trong tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm… khiến các làng nghề ngày càng đìu hiu.

Xây dựng các hợp tác xã làng nghề, gắn với phát triển du lịch

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2022-2030, tỉnh Phú Thọ đang phấn đấu có trên 70% làng nghề hoạt động có hiệu quả; có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); 30% số làng nghề có sản phẩm được hỗ trợ tạo lập và quản lý dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể.

Đồng thời 80% lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; thu nhập bình quân của lao động của các làng nghề tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2021 (trên 5 triệu đồng/người/tháng).

Nói thêm về kế hoạch bảo tồn này, ông Đỗ Ngọc Đoàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ cho biết: Từ đầu năm 2023, Phú Thọ đang tập trung phát triển các HTX tại các làng nghề, gắn công tác phát triển làng nghề trong các Chương trình mục tiêu quốc gia (Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), kết hợp phát triển du lịch làng nghề nhằm phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Thực tế mô hình liên kết này đang bắt đầu phát huy tác dụng tại nhiều HTX dịch vụ du lịch. Ví dụ tại xã Long Cốc, huyện Tân Sơn – nơi có những đồi chè đẹp bậc nhất Việt Nam, mô hình các HTX sản xuất chè kết hợp phát triển du lịch lưu trú nghỉ dưỡng đang là điểm nhấn trong bảo tồn làng nghề. Trong khi với các làng nghề đang có dấu hiệu mai một và cần phải bảo tồn gấp, tỉnh Phú Thọ đang có chủ trương hỗ trợ các hộ gia đình tiêu biểu, nâng cấp lên mô hình HTX để quy tụ các thợ giỏi nhằm đảm bảo thu nhập cho những nghệ nhân còn gắn bó với nghề.

Ví dụ, huyện Cẩm Khê hiện có 12 làng nghề thuộc ba nhóm ngành nghề chính với tổng lao động là 5.190 người, trong đó lao động thường xuyên là 4.060 người, thu nhập bình quân ước đạt 5,2 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, những người theo nghề ngày một ít đi, chủ yếu lao động là người già và trẻ em. Do đó, đưa những người làm nghề đứng trong các HTX do người dân làm chủ, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm và liên kết tiêu thụ. Ví dụ Làng nghề nón lá Sai Nga, các HTX tại đây đã liên kết được người dân tham gia các tổ đội sản xuất, các câu lạc bộ giúp nhau làm kinh tế…; tìm kiếm đại diện đứng ra làm đầu mối thu mua sản phẩm, giao thương với bên ngoài và đại diện pháp lý cho làng nghề. Do đó, nhiều làng nghề như Sái Nga dù khó khăn nhưng đang từng bước duy trì được hoạt động, tránh nguy cơ biến mất.

Sẽ thật khó tìm về thời vàng son của các làng nghề, tuy nhiên duy trì và bảo tồn là nhiệm vụ của cả chính quyền và người dân. Bởi, trong tình hình hiện nay để người dân sống được với nghề là khó, nhưng để người dân giữ gì và bảo tồn nghề song song với tạo mới công ăn việc làm khác thì người dân sẵn sàng ủng hộ. 

Do vậy, khi tiếp cận công tác bảo tồn những làng nghề này, chính quyền cần thay đổi tư duy các sản phẩm của các HTX làng nghề sẽ phục vụ du lịch chứ không phải phục vụ nhu cầu sử dụng. Bởi, các sản phẩm truyền thống này đã làm tròn vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình. Thế nên định hướng bảo tồn là xây dựng đội ngũ thợ kế cận, đảm bảo thu nhập cho các xã viên HTX làng nghề nhằm tránh nguy cơ thất truyền, bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch; chứ không phải bảo tồn theo cách cứ bám trụ lấy nghề theo kiểu cũ, để người dân sống “lay lắt” với nghề, tự sinh tự diệt như truyền thống trước kia.

Nguyễn Thanh và nhóm PV, BTV