Nhộn nhạo hết cả làng báo chí lẫn mạng xã hội mấy tuần nay về vụ phù phép “hô biến” ra hàng loạt thủ khoa, á khoa mà toàn vào những trường nhóm “hot.” Điều với tôi là kỳ lạ, nhưng với xã hội từ rất lâu đã thành “chuyện bình thường ở huyện” là những trường nhóm “hot” đó, toàn những ngành nghề khó khăn vất vả cả.

Nhớ thời cách đây hơn một phần tư thế kỷ, khi tốt nghiệp đại học ra trường, tôi được chọn đến thi tuyển và sau đó, được tuyển dụng vào một cơ quan thuộc lực lượng vũ trang, một đơn vị thuộc Bộ và công việc đòi hỏi khá nhiều năng lực về tư duy cũng như khả năng ngoại ngữ.

Khi thi tuyển, tôi thuộc nhóm đỗ đầu nhưng do gia cảnh khó khăn, tôi định không chọn đi làm ở đó, vì “làm nhà nước lương thấp” (dù so với các cơ quan nhà nước khác thì cao hơn nhiều) mà chọn “làm cho nước ngoài” để có thu nhập cao hơn.

Cán bộ tuyển dụng, một người rất tâm huyết và, theo tôi hiểu, có lý tưởng, đã mất một ngày để thuyết phục tôi. Tôi nhớ mãi anh nói một câu: “Vào đây làm, cuộc sống của em sẽ khó khăn hơn đi làm cho công ty nước ngoài, nhưng rất lâu cơ quan mới tuyển được một người như em, mà nhiệm vụ bảo vệ an ninh của Tổ Quốc, an toàn của nhân dân thì luôn luôn cần sự hi sinh. Có những việc mà nếu chúng ta không làm, thì ai làm?”

Chính nhờ câu này của anh mà tôi quyết định bước chân vào lực lượng vũ trang để làm một công việc khó khăn, vất vả và quả thực, chẳng thấy lãng mạn ở đâu cả, khác hẳn phim ảnh văn học vẫn hư cấu.

Khi đã đi làm một thời gian dài, tôi vẫn ngỡ ngàng khi nhiều người quen hỏi: “Xin vào đó làm có phải “chạy” không?” và mọi người còn ngỡ ngàng hơn với câu trả lời của tôi: “Không mất đồng nào cả!” Tất nhiên khi đi làm ở cơ quan, tôi cũng nhận ra nhiều điều, như xung quanh vẫn có rất nhiều bạn trẻ cùng lứa có gia thế với tôi đúng là “cao như núi,” con của giám đốc Sở này, Cục trưởng kia…

Nhưng ai có việc của người đó, xung quanh tôi cũng còn rất nhiều anh em khác, hàng ngày ngoài công việc “bảo vệ an ninh Tổ Quốc” thì tranh thủ từng phút giải lao để… ngồi giải một bài toán khó để tối đi dạy gia sư. Ai đã được cơ quan cử đi học ngoại ngữ về rồi, thì đi dạy tiếng Anh, tiếng Pháp để có thêm thu nhập. Thời đó đất nước đã mở cửa, nhưng chúng tôi vẫn còn sống với lý tưởng, muốn hi sinh những lợi ích của bản thân vì lợi ích và cuộc sống của người khác, của nhân dân. 

{keywords}
Đã đến lúc từng người chúng ta cần phải đặt lại câu hỏi về lý tưởng sống của chính mình. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Chỉ khoảng mười mấy năm sau thời điểm đó thôi, tình hình đã đổi thay quá nhiều. Xã hội ngày càng phát triển về kinh tế, vật chất đầy ngập, tạo ra những mâu thuẫn rất lớn trong lòng người. Một mặt với những người làm trong cơ quan nhà nước như tôi từng kể trên đây, để lại trong họ những chạnh lòng vì lương nhà nước dù có cao, cũng chẳng thấm tháp gì với tốc độ làm giàu ngoài xã hội. Một mặt khác với những người đang kiếm tiền ngoài xã hội, lại xuất hiện một thèm khát “nâng cao vị thế gia đình” khi nhìn vào những cơ quan đó.

Tình cảnh “trong muốn ra mà ngoài thì muốn vào” là có thật. Khi mâu thuẫn xuất hiện, cũng chính là lúc xuất hiện những cám dỗ và không hiếm anh em đã gục ngã trước những “viên đạn bọc đường.” Ngược lại, cũng không hiếm những lời đề nghị đối với anh em cán bộ trong ngành công an, quân đội đã có chút cấp bậc, chức vụ “có thể bảo lãnh cho cháu vào ngành được không?”

Khi bước chân vào con đường của người chiến sĩ dù công an hay quân đội, hay những người chiến sĩ áo trắng bảo vệ sức khỏe của nhân dân, tất cả đều có những lời thề. Thề trung thành với Tổ Quốc, với nhân dân, hay lời thề Hippocrates… và đều đòi hỏi có những sự hi sinh.

Ấy thế mà lại có ngày, học sinh giỏi nhà nghèo thì nỗ lực kiên cường thi bằng được vào trường công an, quân đội còn các cháu nhà có điều kiện thì đi bằng "con đường khác" đang làm dư luận rộn ràng bấy nay.

Rõ ràng họ đang chứng minh có nhiều điều “phi thường” mà người Việt Nam làm được, đó là biến một cô bé, chú bé số có chữ trong đầu tính được bằng mấy ngón tay thành thủ khoa đại học. Ơ hay nhỉ, phải chăng thời nay lý tưởng hi sinh bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ nhân dân đã trở nên khát khao đến thế, đến mức mà người ta sẵn sàng hi sinh vài trăm triệu đồng đến cả tỉ bạc, chỉ để cho con cái mình có một chỗ làm trong ngành y hay lực lượng vũ trang? 

Hơn bao giờ hết, tôi thấy mình lạc hậu với thời cuộc. Cách đây vài tháng, khi con trai hỏi tôi về lựa chọn nghề nghiệp, tôi đã cùng con xem những bộ phim về những người lính chữa cháy, những người làm cứu hộ. Rồi tôi nói rằng, con khỏe mạnh, bơi giỏi, những việc ấy ít người muốn làm, nếu con không làm, thì ai làm? Nói vậy, nhưng sau đó tôi vẫn còn ngơ ngẩn với ý nghĩ, thời nào rồi mà còn đi dạy con chọn nghề khó khăn, nguy hiểm và về thu nhập thì “đói dài?” 

Bạn đọc có biết, bài hát chính thức được chọn cho những người lính cứu hộ của Bộ các tình trạng khẩn cấp Liên bang Nga là bài “Thời thanh niên sôi nổi” của Aleksandra Pakhmutova. Bài hát ấy thời chúng ta, những người hôm nay làm cha mẹ, đã từng hát say mê với cả trái tim mình – “Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ… để ngàn đời bền vững Tổ Quốc ta!” Vậy sao ngay hôm nay, chính chúng ta lại làm hỏng các con mình bằng cái mong ước vinh thân phì gia, giúp con mình thành “phường giá áo túi cơm”? 

Chuyện dần sẽ qua, các cháu cũng đã học được bài học đầu cuộc đời của mình – đây còn là bài học cho cả các cháu một vài thế hệ trước và những thế hệ sau, và cũng cần được tạo cơ hội để làm lại, để can đảm bước tiếp. Tổ Quốc lúc nào cũng cần những người bảo vệ và dựng xây, bất chấp có những lúc Người khó khăn đến thế nào chăng nữa. Đã đến lúc từng người chúng ta cần phải đặt lại câu hỏi về lý tưởng sống của chính mình. 

Phúc Lai