Thông tin được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với già hóa và chăm sóc người cao tuổi giữa Nhật Bản và Việt Nam, diễn ra ngày 29/8.
Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số.
Nếu tính theo mốc người từ 65 tuổi trở lên, Việt Nam hiện có 9 triệu, sẽ tăng lên 21,7 triệu vào năm 2050. Còn tính theo mốc 60 tuổi trở lên, nước ta có gần 11,9 triệu người (chiếm 12%), dự báo sẽ tăng lên 25% vào năm 2050.
Tiếp tục khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, ông Hoàng nói thời gian để nước ta chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già rất ngắn, khoảng 25 năm.
Điều đó có nghĩa là năm 2036, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn dân số già. 20 năm sau đó, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số siêu già, như Nhật Bản vài năm trước.
Theo Tổng cục Dân số, tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,6 tuổi, nhưng phụ nữ Việt Nam có tuổi thọ cao hơn nam giới (76,1 so với 71,1). Năm 2019, khoảng cách này là 5,3 tuổi (76,3 so với 71,0).
Trung bình người cao tuổi ở Việt Nam mắc 3-4 bệnh, thường là bệnh không lây nhiễm, cơ xương khớp, sa sút trí tuệ, giảm thính lực, tăng huyết áp, rối loạn giấc ngủ... Dù tốc độ già hóa rất nhanh, số lượng người cao tuổi tăng từng năm, nhưng dịch vụ y tế đáp ứng điều trị và chăm sóc dài hạn của Việt Nam rất khiêm tốn. Cả nước chưa có bệnh viện chăm sóc người cao tuổi dài hạn.
Riêng với Hà Nội, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Bộ môn Y học gia đình, Đại học Y Hà Nội, cho hay thủ đô có 250.000 người từ 75 tuổi trở lên, cần nhiều sự trợ giúp xã hội, y tế, chăm sóc nhất, ước tính Hà Nội cần ít nhất 10 bệnh viện, khoa lão, trung tâm y tế chăm sóc lão khoa chuyên biệt để phục vụ người dân.
Kế hoạch chuẩn bị cho tuổi già còn hạn chế
Bà Bùi Thị Ninh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam TP.HCM, cho hay người cao tuổi Việt Nam vẫn có tư duy đầu tư cho tuổi già bằng cách đầu tư cho con cái. “Bao nhiêu tiền bạc đều cố gắng tập trung cho việc học hành và tương lai của con, mong muốn sau này con cái sẽ chăm sóc lại mình. Việc chuẩn bị các nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho tuổi già còn khá hạn chế”, bà Ninh nói.
Nguồn thu nhập của người cao tuổi Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cháu, càng lớn tuổi, sự phụ thuộc này càng lớn; trong khi nguồn thu nhập từ việc làm càng lớn tuổi càng giảm. Nguồn từ tiết kiệm rất ít ỏi, chỉ vài phần trăm.
Điều này khiến bà Ninh cho rằng “khá báo động, lo ngại” vì lương hưu, trợ cấp xã hội còn hạn chế, nếu nguồn hỗ trợ từ con cháu hoặc khả năng làm việc giảm sẽ khiến nguồn thu nhập giảm đáng kể, thành trở ngại lớn cho đời sống người cao tuổi.
Nhật Bản là một quốc gia có dân số siêu già hiện nay. Nhóm dân số cao tuổi từ 65 tuổi trở lên của quốc gia này năm 2022 là 36,2 triệu người, chiếm 29% tổng dân số. Quốc gia này có rất nhiều kinh nhiệm trong việc xây dựng một xã hội dân số già như việc tái cấu trúc hệ thống y tế, chăm sóc lão khoa, xây dựng và quản trị cơ sở chăm sóc người cao tuổi, xây dựng các chế độ chính sách an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng...
Giáo sư Naoki Kondo, Trưởng khoa Dịch tễ học xã hội, Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Kyoto, đưa một ví dụ thú vị về việc các địa phương ở Nhật Bản thành lập các quán cộng đồng để ngăn ngừa khuyết tật chức năng ở người cao tuổi. Các quán cộng đồng này là nơi người già có thể tụ họp, tương tác, giao lưu, có thể làm giảm 50% tỷ lệ người cần chăm sóc điều dưỡng; đồng thời kêu gọi nhiều người thu nhập thấp, phụ nữ cao tuổi tham gia. Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản cũng có ngân sách để hỗ trợ địa phương thực hiện mô hình này.